Để chủ động ứng phó trước diễn biến của mưa lớn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thường xuyên liên hệ, nắm bắt tình hình thiên tai tại các địa phương; tiếp tục đôn đốc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc công văn số 62 ngày 27/5/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về chủ động ứng phó với mưa lũ.
Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin cảnh báo mưa dông diện rộng và cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại các tỉnh Bắc Bộ.
Diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất, dông lốc còn diễn biến phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi diến biến thiên tai, thông tin trên truyền hình, phát thanh, mạng và hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh; thường xuyên báo cáo cập nhật tình hình diễn biến thiên tai về Văn phòng thường trực.
Theo Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, do mưa lớn trên địa bàn tỉnh từ đêm ngày 30 đến ngày 31/5 đã làm sạt lở trên 6.900 m3 đất đá tại nhiều vị trí đường Quốc lộ, tỉnh lộ; 3 ha lúa, ngô, rau màu bị ngập úng. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 4,45 tỷ đồng.
Tại tỉnh Thái Nguyên, mưa lớn xảy ra trên địa bàn ngày 30, 31/5 đã làm 11 căn nhà bị hư hại nặng; 18m tường rào trường học bị đổ; ngập úng hơn 200 ha lúa, 4,5ha ngô, rau màu và 4ha cây trồng lâu năm; bồi lấp 1km kênh mương, vỡ 1 đập tạm; sạt lở hàng trăm m3 đất đá đường giao thông; ngập hàng chục ha ao nuôi trồng thủy sản; đổ 1 cột điện. Ước tính tổng thiệt hại khoảng trên 900 triệu đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã khẩn trương tiến hành sửa chữa, khắc phục và cắm biển cảnh báo tại các vị trí đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; tổ chức thăm hỏi người bị nạn, huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.