Trong đó, nguồn bổ sung mới là hơn 2.100 tỷ đồng gồm: bổ sung từ nguồn ngân sách Thành phố, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cho nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi là 1.669 tỷ đồng, chi cho chính sách hỗ trợ không hoàn lại gần 420 tỷ đồng, kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững các cấp gần 16 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Thinh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, Thành phố đặt chỉ tiêu giảm hộ nghèo là 0,38%/tổng số hộ dân; chỉ tiêu giảm hộ cận nghèo là 0,28%/tổng số hộ dân (theo Quyết định 1291/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025). Trong đó, Thành phố chú trọng kéo giảm các chiều, chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất dịch vụ xã hội cơ bản cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống, chất lượng cuộc sống, đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các ngành tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung hoạt động của chương trình giảm nghèo; tiếp tục thực hiện lồng ghép chương trình, kế hoạch giảm nghèo đa chiều vào chương trình kinh tế - xã hội thường xuyên của các cấp, ngành hàng năm và cả giai đoạn...
Các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của thành phố thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, tự vươn lên thoát nghèo. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ phải hỗ trợ cụ thể, tác động trực tiếp cho từng người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo; thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ có điều kiện đối với lĩnh vực giáp dục - đào tạo, việc làm, bảo hiểm xã hội, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động tiếp cận chính sách giảm nghèo và tự vươn lên thoát nghèo.
Các địa phương, sở, ngành gắn hoạt động của chương trình giảm nghèo bền vững với hoạt động Trung tâm an sinh thành phố; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác rà soát, cập nhật danh sách, giải pháp hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh và quận, huyện, thành phố Thủ Đức đầu tư cho các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được xem là bộ phận hữu cơ trong ngân sách thường xuyên của sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức hàng năm và cả giai đoạn.
Theo Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, thành phố giảm hơn 16.100 hộ nghèo (giảm 0,64%), giảm hơn 9.700 hộ cận nghèo (giảm 0,38%); đến cuối năm toàn thành phố còn hơn 21.300 hộ nghèo (chiếm 0,84%), 18.068 hộ cận nghèo (chiếm 0,71% tổng hộ dân thành phố).