Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 270 triệu USD (giảm 19,14% so với cùng kỳ năm 2019) gồm 11 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký 90,97 triệu USD (giảm 42,15% so với cùng kỳ) và 25 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng 179,7 triệu USD (tăng 1,24% so với cùng kỳ).
Một trong những ngành nghề thu hút vốn đầu tư nhiều nhất là dịch vụ (chiếm 89,42%) với vốn đầu tư đạt 81,16 triệu USD, kế đến là cơ khí, điện tử, nhựa, cao su… Đầu tư trong nước cũng thu hút gần 7.440 tỷ đồng (tương đương 321,27 triệu USD), tăng 47,6% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, cấp mới 46 dự án với vốn đầu tư đăng ký hơn 5.810 tỷ đồng (tương đương 250,94 triệu USD); 32 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng gần 1.630 tỷ đồng (tương đương 70,33 triệu USD).
Nhận định về tình hình đầu tư, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố cho rằng, thu hút mới đầu tư nước ngoài giảm là do ảnh hưởng dịch COVID-19, làm hạn chế đi lại của nhà đầu tư. Trong khi đó, việc điều chỉnh tăng vốn tăng do nhà đầu tư của một số dự án lớn đã khảo sát, nghiên cứu khả thi, xây dựng phương án đầu tư và đàm phán thuê đất trong thời gian dài trước đó, một số dự án nước ngoài đang hoạt động mở rộng sản xuất, điều chỉnh tăng vốn.
Theo ông Hưng, điều đáng ghi nhận là đầu tư trong nước gia tăng và tập trung vào các doanh nghiệp có tiềm năng, doanh không bị tác động bởi dịch bệnh, hay doanh nghiệp có yếu tố sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, thâm dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh. Vốn đầu tư cấp mới tập trung vào các dự án xây dựng nhà xưởng, kho cho thuê của các doanh nghiệp phát triển hạ tầng (do quỹ đất sạch tại các khu công nghiệp ngày càng giảm, nhu cầu thuê lại nhà xưởng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ...tăng) và các dự án nhận chuyển nhượng quyền thuê đất, nhà xưởng từ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất.
Ông Hưng cho biết, xu hướng nhu cầu về dịch vụ phục vụ công nghiệp như kho vận, logistics, nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng 1 tầng, hiện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đầu tư. Dù trên thế giới dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng các nhà đầu tư vẫn tiến hành thuê đất, triển khai xây dựng tạo quỹ kho, xưởng để sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh đã thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất từ nước ngoài đến thành phố góp phần thúc đẩy gia tăng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động nhất là ở các ngành nghể dịch vụ, giày da, may mặt đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn…
Theo báo cáo của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, hiện có 41/45 dự án tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã hoạt động trở lại; trong đó, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, có nhà xưởng để trống đã đăng ký bổ sung chức năng cho thuê một phần hoặc cho thuê toàn bộ nhà xưởng. Một số doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp mới; tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ trong nước và các nước ngoài; lập kế hoạch xúc tiến bán hàng; tạm thời cho người lao động nghỉ việc đến khi nhận được đơn hàng mới…
Ngoài ra, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng được hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố, Công ty Phát triển hạ tầng về việc vay vốn, giãn thuế, đóng báo hiểm xã hội; miễn, giảm, giãn phí duy tụ tái tạo cơ sở hạ tầng, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư bổ sung, giãn tiến độ thực hiện dự án…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng kiến nghị nâng thời gian giãn nộp các loại thuế lên 10 tháng hoặc 1 năm; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về đất đai; tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài, lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc; hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy sớm khôi phục ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2020 của khu đạt 5,3 tỷ USD; trong đó, doanh nghiệp FDI đạt 3,858 tỷ USD (chiếm tỷ lệ 73%), doanh nghiệp trong nước đạt hơn 1,4 tỷ USD (chiếm tỷ lệ 27%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD; trong đó, doanh nghiệp FDI đạt hơn 1,83 tỷ USD (chiếm tỷ lệ 51%), doanh nghiệp trong nước đạt hơn 1,76 tỷ USD (chiếm tỷ lệ 49%).
Dự báo nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, hoạt động của các doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan để bước vào năm 2021 khôi phục hoạt động và sản xuất ổn định. Đồng thời Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường thế giới nhất là khu vực châu Âu.