Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên - Huế): Không thể cứ “vướng” lại chuyển đổi hình thức đầu tư
Ngoài việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án đã được chấp thuận thì hiện nay vẫn còn một số dự án đã được giao tiếp tục đề xuất được thay đổi trong thời gian tới. Đây hầu hết là các dự án hạ tầng giao thông, bởi vậy cũng nên xem xét thêm một cách hệ thống về vấn đề này.
Các dự án này căn cứ vào đâu mà trước đây được lựa chọn hình thức đầu tư PPP, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) rồi sau vài năm triển khai lại không thực hiện được và xin chuyển sang vốn đầu tư công.
Tôi cho rằng, khó khăn và vướng mắc đang nằm ở khâu nào cũng cần phải làm rõ. Đặc biệt, hầu hết các dự án này đều là công trình trọng điểm quốc gia. Nếu cứ “vướng” xong lại đổ tại các luật liên quan còn bất cập là không đúng.
Thực tế cũng ghi nhận, một số dự án đầu tư công đã khởi công và chuyển sang hình thức BOT nhưng lại không có đơn vị nào nộp hồ sơ bởi không “hấp dẫn” nhà đầu tư. Vậy trách nhiệm của cơ quan chủ quản, tham mưu cũng cần được xem xét.
Nếu chúng ta triển khai được dự án thì kêu gọi được nguồn vốn, kéo theo các hoạt động dự thầu thì sẽ giải ngân được và không đọng vốn trong ngân hàng. Từ đó, hàng loạt các lĩnh vực khác cũng được hưởng lợi như sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho người lao động...
Ngoài ra, một vấn đề nữa là hiện đầu tư công cho khu vực miền Trung vẫn còn rất ít so với miền Bắc. Cụ thể, các công trình đầu tư từ Thanh Hóa dọc Ninh Thuận, Bình Thuận... giải ngân chậm, ít công trình lớn.
Việc đầu tư phát triển theo chiến lược cũng đúng, nhưng cần cân nhắc, như việc 40 năm rồi mà Quốc lộ 1 vẫn thường xuyên ách tắc. Trong khi đó, một số công trình quan trọng Quốc gia được Quốc hội thông qua thì khởi công chậm như tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sân bay quốc tế Long Thành...
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Cần có phương án chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư
Việc 3 dự án được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công có 2 lý do. Theo đó, thứ nhất là vào thời điểm đó, nguồn vốn huy động của các nhà đầu tư tư nhân, ngân hàng khó khăn; trong khi nguồn vốn đầu tư công sẵn có. Thứ hai, chúng ta cũng muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không muốn phải qua đấu thầu để chọn các nhà đầu tư và đầu tư của Chính phủ thì bao giờ cũng nhanh hơn.
Mặc dù, các dự án này được chuyển sang hình thức đầu tư công, nhưng khi đầu tư vẫn xây dựng phương án thu phí, giống như đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án.
Hiện một số dự án khác đang tiếp tục được đấu thầu theo hình thức PPP thì cũng đã có những dự án hoàn thành đấu thầu, chuẩn bị triển khai. Song, hiện vẫn còn những dự án chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Nguyên nhân có thể do chi phí lớn, trong khi nhiều hạng mục đầu tư khó khăn, đòi hỏi chi phí lớn, mà lượng khách hàng lưu thông qua lại khả năng không nhiều thì nhà đầu tư không cân đối được nguồn thu để bù đắp. Đương nhiên, điều này khiến việc đầu tư trở nên không hấp dẫn. Dự án PPP thì phải thu hồi được vốn, nếu không có khả năng thu hồi được vốn thì mới phải tính đến phương án chuyển sang đầu tư công.
Trong trường hợp, vì một vài khâu nào đó gây khó khăn cho việc thực hiện dự án PPP như đầu tư cầu, cống, tầng hầm lớn thì Chính phủ sẽ phải đầu tư cùng nhưng chỉ trong giai đoạn đó. Khi những khoản chi phí này không tính vào chi phí của dự án thì các nhà đầu tư có thể tính toán lại phương án đầu tư bao nhiêu và sau khoảng thời gian bao lâu thì thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xem xét lại việc chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư. Luật Đầu tư công cũng đã ghi nhận nội dung này.
Còn trong trường hợp các dự án PPP vướng mắc về vốn, không huy động được vốn trong bối cảnh ngân hàng không đủ vốn tài trợ thì phải tính đến câu chuyện làm thế nào để các ngân hàng có nguồn vốn nhiều hơn.
Trước đây, các dự án này được cho là có thể kêu gọi, huy động được các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vì lý do an ninh quốc phòng không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Như vậy, thay vì nguồn vốn từ nước ngoài, chúng ta chủ động cho các ngân hàng thương mại đi vay nợ từ các tổ chức tài chính nước ngoài.
Trong khi các nguồn vay từ tổ chức tài chính nước ngoài đang dồi dào thì chúng ta có thể yêu cầu các ngân hàng thương mại đi huy động vốn về cho các doanh nghiệp trong nước vay lại, Như vậy, chúng ta sẽ khai thác được cả nguồn vốn nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đứng ra tự đầu tư, kinh doanh. Đây cũng sẽ là một giải pháp gỡ vướng cho các dự án PPP hiện nay.