Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngày 6/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức khai mạc Diễn đàn Xuất khẩu 2024 với chủ đề: “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”.

Sự kiện này đồng thời cùng với Triển lãm Viet Nam International Sourcing 2024, diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/6/2024. 

Chú thích ảnh
Các đối tác, doanh nghiệp tham gia Diễn đàn xuất khẩu để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cả nước ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có Hiệp định thương mại (FTA) đều có sự phục hồi tích cực.

Các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và UKVFTA, cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó, đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới. Theo đó, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có ký FTA đạt 230,5 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

Chú thích ảnh
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Diễn đàn trong ngày 6/6.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Diễn đàn Xuất khẩu 2024 là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời thu thập thông tin về xu hướng tiêu dùng và thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Tại diễn đàn, Ban tổ chức cũng hi vọng tạo ra một môi trường hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế; đem đến cơ hội cho doanh nghiệp trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để vượt qua những thách thức, khó khăn trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển thị trường xuất khẩu.

"Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, cạnh tranh về giá cả với chất lượng ngày càng được cải thiện. Sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Phan Thị Thắng cho biết thêm. 

Chú thích ảnh
Đại diện ban tổ chức cắt băng khai mạc Triển lãm Viet Nam International Sourcing 2024.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, theo bà Phan Thị Thắng, các cơ quan chức năng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ ngoại thương, áp dụng nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Các cơ quan chức năng cần làm cầu nối thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước với các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước. Đối với các doanh nghiệp, cần đảm bảo cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu và đẩy mạnh xuất nhập khẩu đóng góp quan trọng trong những thành tựu kinh tế chung.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với vai trò là đầu tàu kinh tế, TP Hồ Chí Minh luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thành phố cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19. 

Bên cạnh đó, Thành phố đã tích cực ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.   

Chú thích ảnh
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham quan, tìm hiểu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tại triển lãm. 

Ông Nguyễn Văn Dũng cũng đánh giá cao các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

"Thành phố đang tiếp tục ban hành nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ DN đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thành phố khẳng định tiếp tục đồng hành và hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro. Thành phố sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu thiết thực, đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu của DN, giúp DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”, ông Nguyễn Văn Dũng nói. 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Nắm bắt chính sách để duy trì vị trí xuất khẩu gạo số 1 tại Philippines
Nắm bắt chính sách để duy trì vị trí xuất khẩu gạo số 1 tại Philippines

5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines với 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN