Nông sản Việt đón thêm cơ hội xuất khẩu

Các chuyên gia nhận định: Nguồn lực mặt hàng rau, quả, trái cây của Việt Nam là rất lớn, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của thế giới. Dư địa của ngành hàng này còn nhiều và điều quan trọng là làm thế nào để khai thác tốt các tiềm năng.

Với việc nhiều thỏa thuận, nghị định thư xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, đặc biệt là trái cây của Việt Nam vào các thị trường trên thế giới đã mở ra cơ hội tăng giá trị xuất khẩu lên gấp nhiều lần, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Chú thích ảnh
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Khi đã mở thêm được nhiều thị trường và có các chính sách thúc đẩy hỗ trợ sẽ tạo ra bước đột phá cho hoạt động xuất khẩu. Nỗ lực đó đã được phản ảnh qua kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản những năm qua, đặc biệt 4 tháng đầu năm khi các thị trường đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang châu Mỹ tăng 24,6%, châu Phi tăng 33,3%, châu Á tăng 19,8%, châu Âu tăng 38,6 và châu Đại Dương tăng 26%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu của các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 25,7%, Trung Quốc tăng 15,1% và Nhật Bản tăng 9,6%.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thành tích của xuất khẩu nông sản, điển hình rau quả cho thấy, mỗi lần mở cửa được thị trường cho một sản phẩm thì nông sản sẽ có một dấu mốc mới. Nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tiếp tục bứt phá.

Chờ đón cơ hội từ sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu vào Trung Quốc, bà Đoàn Thùy Giang, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tập đoàn Vĩnh Khang cho biết: Doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để có thể được tham gia xuất khẩu sản phẩm này. Với kỹ thuật dải vụ, tính chất mùa vụ phân bố ở các vùng, Việt Nam gần như quanh năm có sầu riêng.

Để mang những cơ hội đó đến các doanh nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật  (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) luôn phối hợp với Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) tổ chức kiểm tra, đánh giá và cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói các loại quả tươi đăng ký xuất khẩu sang thị trường này. Hay, các nghị định thư về xuất khẩu các loại trái cây vào Trung Quốc được đàm phán liên tục, tích cực với thứ tự các sản phẩm ưu tiên.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, thành công mở cửa thị trường cho mỗi nông sản cũng cho thấy sự chấp nhận, tin tưởng của thị trường quốc tế đối với nông sản Việt. Trong số đó, Trung Quốc - một thị trường lớn trong lĩnh vực trái cây, là đối tác quan trọng, mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Các loại trái cây có giá trị cao nhất thị trường này nhập khẩu (theo thứ tự giảm dần) là: sầu riêng tươi, anh đào tươi, sầu riêng đông lạnh, chuối, măng cụt và dừa. Sáu loại trái cây này chiếm 76% giá trị nhập khẩu trái cây nhập khẩu của Trung Quốc.

Chỉ tính riêng sầu riêng, năm 2023 Trung Quốc nhập khẩu 6,72 tỷ USD (tăng 66% so với năm 2022). Sau khi tiếp cận thị trường chính thức vào Trung Quốc vào tháng 7/2022, sầu riêng tươi Việt Nam nhanh chóng chiếm khoảng 35% thị phần, khiến thị phần sầu riêng tươi của Thái Lan giảm mạnh từ 95% xuống 65%.

Ở một góc độ khác, cũng nhờ tín hiệu tích cực từ việc mở cửa thị trường, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng thành công quy trình kỹ thuật rải vụ. Hiệu quả kinh tế rải vụ của các loại cây ăn quả như: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn tăng từ 1,5 - 2 lần.

Cùng với quá trình đàm phán mở rộng thị trường, Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực phối hợp với các địa phương mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói để đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, tập trung giám sát để vùng trồng và cơ sở đóng gói duy trì được các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Mặt hàng rau quả tươi như: sầu riêng, nhãn, vải, xoài, thanh long, dừa, chuối, dứa, chanh leo… ngày càng được các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU… ưa chuộng. Song để được các thị trường tiếp nhận trái tươi thì việc phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật để tránh lây lan dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm là những yếu tố tiên quyết.

Lấy ví dụ như sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ thu mua và bán tại hệ thống Market Place (Australia) với giá gần 600.000 đồng/kg. Lô vải thiều chín sớm lần này được Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng đỏ xuất khẩu tới thị trường Australia đều được trồng tại những vườn vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt vào trung tuần tháng 5.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam. Đến nay, có 56 địa phương đã cấp 7.344 mã số vùng trồng, 1.629 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…

Các chuyên gia nhận định: Hàng nông sản được đánh giá là nhóm hàng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Có những sản phẩm phải mất hơn chục năm đàm phán để cơ quan chức năng hai nước đi đến thoả thuận chung hay nghị định thư.  Nhiều nông sản; trong đó đặc biệt là trái cây để mở cửa được thị trường sẽ phải trải qua nhiều cuộc đàm phán kỹ thuật rất chặt chẽ, kỹ lưỡng bởi hai bên phải thông qua các biện pháp phân tích nguy cơ dịch hại.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: Văn phòng luôn cập nhật hàng ngày, định kỳ hàng tháng, quý các thông báo, hay dự thảo sẽ thay đổi về những quy định trong về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) của các thị trường tới các doanh nghiệp trong nước. Điều này giúp doanh nghiệp nắm bắt sớm nhất những thay đổi của thị trường xuất khẩu và có kế hoạch ứng phó kịp thời, tránh rủi ro không đáng có. 

Bên cạnh đó, Văn phòng SPS Việt Nam cũng kịp thời xử lý phản ánh, vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục trong quá trình xuất khẩu nông sản thực phẩm; hay phản hồi ngay những quy định mà các thị trường đề xuất áp dụng nhưng bất hợp lý với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mỗi năm, có trên 1.000 thông báo về các dự thảo quy định mới, các thay đổi về biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật của thành viên WTO.

Theo ông Ngô Xuân Nam, số lượng thông báo ngày càng tăng và đòi hỏi cao hơn chứng tỏ thị trường thế giới đang rất quan tâm tới chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Bích Hồng (TTXVN)
Nâng giá trị nông sản từ liên kết tiêu thụ sản phẩm
Nâng giá trị nông sản từ liên kết tiêu thụ sản phẩm

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang là giải pháp tối ưu tỉnh Nghệ An hướng tới để hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Giải pháp này cũng khắc phục tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, mất cân đối cung - cầu cũng như ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giành những vụ mùa bội thu, vừa tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN