Cùng người lao động vượt qua sóng gió

Tp. Hồ Chí Minh là nơi thu hút nhiều lao động nhất cả nước với nhu cầu tuyển dụng bình quân khoảng 300.000 lao động mỗi năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do đại dịch COVID-19 nên số lượng người thất nghiệp tăng nhanh, cùng với đó số lượng doanh nghiệp giải thể, cắt giảm lao động vẫn diễn biến khó lường. Dù đã được báo trước, nhưng nhiều công nhân, người lao động gắn bó với doanh nghiệp giờ đây mất việc, tay nghề không có, tuổi lao động lại cao, cuộc mưu sinh của họ thực sự khó khăn rất cần được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam không đảm bảo về các điều kiện phòng chống dịch COVID-19 (ảnh chụp sáng 13/4). Ảnh: TTXVN phát

Người lao động gặp khó khăn

Thống kê của Liên đoàn Lao động Thành phố đến giữa tháng 10/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên địa bàn thành phố có hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất khiến gần 150.000 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên. Chỉ riêng tại Khu chế xuất – Khu công nghiệp thành phố đã có 90 doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến 19.000 lao động giảm nhập giảm, đời sống khó khăn.

Theo ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu chế xuất – Khu công nghiệp thành phố, phần đông các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp bị ảnh hưởng là ngành may mặc, giày da và điện tử. Đây là những ngành nghề chiếm tỷ trọng lực lượng lao động đông, trình độ tay nghề còn hạn chế và đa phần là nữ nên dễ dẫn đến phát sinh khi doanh nghiệp giảm lao động ở các nhóm này.

“Tuy các doanh nghiệp này đã hoàn tất các thủ tục, chế độ, chính sách đối với hơn 5.600 người bị chấm dứt hợp đồng lao động, đảm bảo cho gần 1.800 người bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và hơn 10.700 người lao động bị tạm ngừng việc có hưởng lương. Song dịch bệnh cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động, thậm chí tác động đến mọi hoạt động đời sống xã hội hàng ngày của người lao động”, ông Thành khẳng định.

Thực tiễn từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước lao đao do tác động bởi dịch bệnh, nhất là doanh nghiệp có hoạt động giao thương xuất nhập khẩu hay doanh nghiệp ở lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn... Nhiều doanh nghiệp đã chấm dứt hợp đồng lao động với hàng nghìn công nhân như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huê Phong cho ngừng việc hơn 3.000 lao động (sau 3 lần ngừng hợp đồng); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam ngưng hợp đồng 2.767 người lao động; Công ty trách nhiệm hữu hạn Pung Kook (Khu chế xuất Tân Thuận) đã giải thể và chấm dứt hợp đồng gần 1.000 công nhân; Công ty trách nhiệm hữu hạn Yesum Vina (Khu chế xuất Kinh Trung 1) cũng đã thông báo ngừng sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với gần 600 công nhân...

Trước tác động của đại dịch COVID-19, người lao động, nhất là ở ngoại tỉnh đã “tự bơi” để xoay sở cuộc sống hàng ngày. Nhiều công nhân bị mất việc do doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch giải thể đã chuyển sang bán cà phê, nước ép trái cây hay phụ hàng quán quanh khu vực ở trọ hoặc nơi làm việc cũ do không tìm được việc làm mới. Theo ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu chế xuất – Khu công nghiệp thành phố, phần đông nam công nhân trong khu mất việc đều chuyển sang chạy xe công nghệ do không phải đào tạo nghề.

Một số nữ lao động cùng trẻ con đã trở về quê nhà trách dịch, tìm phương kế mưu sinh, tuy nhiên, do cuộc sống ở quê nhà thiếu thốn và cũng nhiều khó khăn hơn nên họ đã quay trở lại thành phố, tạm thời mua gánh, bán bưng để chờ xin được việc làm mới.

Chị Trần Thị Bích Ngọc, trước là công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Yesum Vina đã giải thể cho biết, chị cùng nhiều anh chị em lao động đi tìm việc làm gần 2 tháng nay nhưng vẫn chưa có nơi nào ổn định. Chỗ nhận thì công việc không đúng chuyên môn, ngành nghề, xa nhà trọ, lương thấp; nơi đáp ứng đủ điều kiện thì họ không có nhu cầu tuyển dụng.

Theo chị Ngọc, trở về quê là trường hợp ngoài mong muốn, song ở quê tình cảnh còn khó khăn hơn. Quay trở lại, nhiều chị em công nhân lao động đã chọn giải pháp ở chung, ở ghép, hạn chế chi tiêu, sinh hoạt, tìm kiếm việc làm mới phù hợp…

May mắn hơn, chị Nguyễn Thị Phượng, công nhân khâu cắt vải Công ty trách nhiệm hữu hạn May Đại Việt còn làm việc 4 ngày/tuần. Chị Phượng cho biết, cuộc sống của chị cùng nhiều hộ gia đình công nhân ở tỉnh phải thuê nhà trọ đang gặp nhiều khó khăn do ngày làm giảm, thu nhập cũng giảm; việc chi tiêu hay các chi phí sinh hoạt, tiền học hành cho con cái đều được cân nhắc, cắt giảm…, cầm cự sống tại thành phố.

Giảm giờ làm, giảm ngày làm dẫn đến tiền lương của công nhân cũng giảm, đời sống của người lao động ngày càng chật vật hơn, khó khăn hơn, nhất là tại các thành phố lớn, giá cả sinh hoạt đắt đỏ. Vì thế, các cấp, ban, ngành, cơ quan chức năng cần xây dựng phương án hỗ trợ toàn diện để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, giúp người lao động ổn định cuộc sống, an sinh xã hội, vượt qua đại dịch.

Tiếp sức cho người lao động vượt qua dịch bệnh

Trước tình trạng người lao động bị mất việc gia tăng do ảnh hưởng dịch COVID-19, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai nhanh gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ (Nghị quyết 42) và Hội đồng nhân dân Tp. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 02) đến công nhân, người lao động ở các khu vực phi kết cấu gặp khó khăn, nhất là những người yếu thế trong xã hội và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Theo Sở Lao động, Thương binh và xã hội Tp. Hồ Chí Minh, thành phố đã triển khai hỗ trợ hơn 56.500 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc) của gần 2.000 doanh nghiệp với hơn 58 tỷ đồng; hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho hơn 1.000 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, thành phố cũng đã hỗ trợ cho 13.061 giáo viên, nhân viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ nghỉ việc không hưởng lương của 1.497 cơ sở mầm non với số tiền hơn 13 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 183.600 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm. Đối với hộ kinh doanh, thành phố đã giải quyết hỗ trợ cho gần 1.320  hộ, với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ cho 20.373 người bán lẻ xổ số lưu động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với hơn 20 tỷ đồng.

Đồng hành cùng người lao động bị mất việc, các cấp Công đoàn thành phố cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, trao tặng quà, hỗ trợ kinh phí, vận động các chủ nhà trọ giảm giá cho thuê, nhất là các trường hợp nữ công nhân đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Các công đoàn cấp trên cơ sở mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cho những trường hợp dự sinh trong năm 2020, Tổ chức tài chính vi mô (CEP) triển khai chương trình “CEP chia sẻ yêu thương".

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp. Hồ Chí Minh, việc hỗ trợ kịp thời đã giúp công nhân, người lao động, những người bị ảnh hưởng dịch bệnh phần nào trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, về lâu dài các cấp công đoàn cần xây dựng những kịch bản, định hướng, hướng nghiệp, việc làm cho người lao động thất nghiệp.

“Các cấp Công đoàn cần chủ động phối hợp với các ngành tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm, tư vấn nghề nghiệp; đào tạo dạy nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người lao động bị thất nghiệp tìm kiếm việc làm mới, ổn định cuộc sống”, bà Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ.

Tương tự, tại nhiều địa phương, Chính quyền cùng các cấp công đoàn, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã cung cấp thông tin các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tương tự, phù hợp với tay nghề để công nhân tìm việc; tăng cường các hoạt động giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động tìm việc. Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố hỗ trợ người lao động đào tạo lại khi có yêu cầu; giới thiệu việc làm online, thực hiện các chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn...

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội Tp. Hồ Chí Minh, hiện các đơn vị trực thuộc đã và đang tích cực giám sát, thực hiện các chính sách, hỗ trợ người lao động bị mất việc; nhanh chóng giới thiệu việc làm để người lao động không bị gián đoạn về việc làm, hẫng hụt về đời sống. Nếu người lao động có nhu cầu đào tạo lại, Sở sẳn sàng giới thiệu học nghề, tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm.

“Hiện nhiều doanh nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi và đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động mới. Cơ hội cho người lao động có việc làm mới rất nhiều; người lao động hoàn toàn có thể yên tâm về việc làm nếu có chuyên môn phù hợp. Ngành Lao động – Thương binh và xã hội cùng với các sở, ngành sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ người lao động sớm ổn định công ăn việc làm, ổn định đời sống”, ông Lê Minh Tấn khẳng định.

Thanh Vũ (TTXVN)
Thông thoáng hơn trong cho vay vốn trả lương người lao động
Thông thoáng hơn trong cho vay vốn trả lương người lao động

Chiều 23/10, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành trong cả nước nhằm triển khai nghiệp vụ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết 154/NQ-CP và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN