Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi luật Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cần thiết, nhằm bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài tốt hơn, bảo đảm phù hợp quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề việc làm ngoài nước đối với công dân Việt Nam, phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động quốc tế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật.
Về đối tượng áp dụng (Điều 2 và Điều 5), đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đồng ý với phương án 1: “Quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 của Luật Việc làm) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế”. Bởi vì việc giao cho đơn vị Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập theo quy định của Luật việc làm để phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương, tạo hành lang pháp lý cho các trung tâm dịch vụ việc làm phát huy vai trò, hiệu quả cung cấp dịch vụ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Vì thế, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị Ban soạn thảo lựa chọn phương án 1, đồng thời đồng ý với việc bổ sung thêm điều điều 43, 74 trong dự thảo Luật quy định cụ thể chức năng của trung tâm dịch vụ việc làm.
Theo dõi nội dung thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), anh Nguyễn Bá Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại cung ứng nhân lực và dịch vụ hàng không Nguyễn Gia (Thành phố Thanh Hóa) cho rằng, việc không quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bỏ khoản 2 Điều 11 của dự thảo) sẽ góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy, Nhà nước rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Tôi mong muốn Luật sẽ có những quy định, những biện pháp cứng rắn hơn đối với những lao động bỏ trốn, những lao động vi phạm hợp đồng để đảm bảo uy tín cho các doanh nghiệp cung ứng lao động.
Chuẩn bị đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, em Phí Văn Nhường (22 tuổi), xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc mong muốn, Luật sẽ bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi làm việc ở nước ngoài. Em quan tâm đến việc sau khi hết hợp đồng lao động tại Nhật Bản, sau khi về nước em sẽ được hỗ trợ hay tạo điều kiện như thế nào để khởi nghiệp tại quê hương. Em mong muốn Luật sẽ có những quy định cụ thể, chi tiết hơn, kịp thời bảo đảm bình đẳng về quyền lợi của người lao động sau khi về nước.
Thanh Hóa được đánh giá là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lao động đang làm việc ở nước ngoài (khoảng 30.000 người). Hằng năm, số ngoại tệ gửi về cho người thân khoảng 150 đến 200 triệu USD, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng và tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2020, Thanh Hóa đặt mục tiêu đưa khoảng 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, hiện tại, Thanh Hóa mới có gần 4.000 người xuất cảnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.