Chuyển đổi cơ sở cạnh tranh để giữ vị thế dẫn đầu công nghệ cao

TP Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu vượt bậc về thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.

Chú thích ảnh
Nghiên cứu công nghệ nano tại Phòng Công nghệ sinh học Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Tuy nhiên, trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt sắp tới, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu chuyển đổi cạnh tranh, lấy năng suất, chất lượng làm cơ sở và chủ động thương mại hóa các sản phẩm từ nghiên cứu trong khu.

Chuyển đổi cạnh tranh

Từ mảnh đất sình lầy gần 20 năm trước, ngày nay Khu Công nghệ cao Thành phố (SHTP) là niềm tự hào về phát triển của thành phố với sự có mặt của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Nidec, Jabil, Sonion… Cùng với đó, hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển tại đây. 

Trong giai đoạn “khởi động”, SHTP là một khu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghiệp công nghệ cao từ các công ty đa, xuyên quốc gia có tiềm lực mạnh về công nghệ cao. Điều này nhằm thu hút, thích nghi hóa và khuếch tán công nghệ cao tới các ngành công nghiệp có thế mạnh của thành phố và khu vực.

Đến nay, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh có 160 dự án đầu tư, với tổng vốn 44.563 tỷ đồng của 110 dự án trong nước và 5,679 tỷ USD của 50 dự án FDI. Giá trị gia tăng trung bình của sản phẩm sản xuất tại khu là 17,6%; hiệu quả sử dụng đất 13,06 triệu USD/ha. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của khu đạt trên 80,9 tỷ USD. 

Đầu năm 2021, Tập đoàn Intel đã đón giấy chứng nhận điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và kiểm định có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu. Như vậy, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam hiện tại đã lên hơn 1,5 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, hiện tại Intel đóng vai trò như nhà máy “dẫn dắt”. Khoản bổ sung vốn này xuất phát từ nhu cầu nhà đầu tư, tuy nhiên việc mở rộng của Intel không chỉ đơn thuần là về quy mô, mà nâng về chất lượng. Điều này cũng mở ra cơ hội để tham gia chuỗi vi mạch bán dẫn của Việt Nam trong thời gian tới.

Sau gia đoạn “khởi động”, SHTP đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn phát triển. Ông Nguyễn Anh Thi cho biết, cùng với phát triển các chức năng về công nghiệp công nghệ cao, SHTP tăng cường đầu tư các hoạt động nghiên cứu – triển khai, phát triển năng lực nội sinh về công nghệ cao, xây dựng khu trở thành nguồn động lực công nghệ cao cho phát triển kinh tế ở phía Nam và cả nước. Mục tiêu chính là trở thành một tiểu đô thị khoa học – công nghệ cao và là đầu kéo mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng kinh tế tri thức ở Việt Nam.

Cụ thể, từ năm 2021, Khu Công nghệ cao sẽ chuyển đổi cơ sở cạnh tranh. Các chương trình đột phá chiến lược giai đoạn 2020-2025 là nâng cấp nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học công nghệ; phát triển công nghiệp hỗ trợ xoay quanh các dự án FDI chiến lược. 

“Thời điểm này nếu không chuyển đổi cơ sở cạnh tranh, vẫn “bám” vào những ưu đãi về đất đai, thuế, nguồn lao động giá rẻ (thu hút đầu tư ở công đoạn thấp) thì khó cạnh tranh được với các địa phương khác. Nếu cạnh tranh dựa trên nhân lực, công nghệ cao thì Thành phố có lợi thế, bởi có nhiều doanh nghiệp lớn, có Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều trường đại học, viện nghiên cứu kết nối”, ông Nguyễn Anh Thi khẳng định. 

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đầu tháng 4/2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị, thời gian tới, Ban Quản lý phải vừa thu hút đầu tư vừa tăng cường công tác giám sát đầu tư. Đặc biệt, cần xây dựng Bộ tiêu chí thu hút đầu tư vào khu trong giai đoạn mới. Ngoài tiêu chí theo quy định chung của cả nước, có thể bổ sung thêm các tiêu chí liên quan đến 2 yếu tố năng suất lao động và hiệu quả sử dụng đất.

Tập trung cho nghiên cứu và phát triển

Chú thích ảnh
Các chuyên gia nghiên cứu công nghệ tại Phòng sạch Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Với định hướng cụ thể, Khu Công nghệ cao sẽ chủ động thú hút đầu tư theo hướng tập trung các ngành là lĩnh vực ưu tiên quốc gia và thế mạnh của khu, các dự án có giá trị gia tăng cao, suất đầu tư lớn. Cùng với đó, liên kết nội khu và các doanh nghiệp trong khu với các trường đại học, viện nghiên cứu, đặc biệt là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong hoạt động nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ.

Ông Nguyễn Anh Thi chia sẻ, công nghệ thông tin và điện tử, bán dẫn là chủ đạo, ưu tiên số 1 trong giai đoạn sắp tới. Sau nhiều năm phát triển, chúng ta có hệ sinh thái (cụm ngành) như vi mạch bán dẫn (có Intel, Samsung) và một số doanh nghiệp chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp sẽ được thừa hưởng những thành tựu này. Ban Quản lý sẽ thu hút những dự án dựa vào yếu tố sản xuất nâng cao, dựa trên con người và công nghệ, hiệu ứng cụm ngành.

Những năm gần đây, doanh nghiệp tại SHTP cũng đã tăng dần các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) và tăng chi phí đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện đa số nhân sự bộ phận R&D đều là người Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang hình thành các trung tâm nghiên cứu tại SHTP với mục tiêu đầu tư phát triển hoạt động R&D của tập đoàn tại Việt Nam.

Riêng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cũng có Trung tâm Nghiên cứu triển khai SHTP hoạt động khá hiệu quả. “Trung tâm này hiện được xem như là “cánh tay nối dài” của Ban Quản lý giúp gắn kết đại học và doanh nghiệp. Trung tâm giúp khai thác được chủ thể trong khu là các doanh nghiệp có hoạt động công nghệ cao và thúc đẩy các doanh nghiệp này thực hiện cam kết nghiên cứu phát triển", ông Nguyễn Anh Thi cho biết.

Thực tế, mảng nghiên cứu triển khai được Khu Công nghệ cao đặc biệt chú ý thời gian gần đây. Cụ thể, giai đoạn 2016-2019, chi cho hoạt động này của khu đạt 316,8 triệu USD và tăng hàng năm. Trong đó, năm 2016 là 50,97 triệu USD; năm 2017 là 75,88 USD; năm 2018 đạt 91,17 triệu USD; năm 2019 là 98,77 triệu USD.

Trung tâm Nghiên cứu triển khai SHTP hiện tập trung vào nghiên cứu và triển khai ứng dụng, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao và là cấu nối giữa các trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để đưa nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn tại thành phố. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm đã thương mại hóa thành công 8 sản phẩm và có 24 đơn sở hữu trí tuệ được chấp nhận.

Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai SHTP cho biết, các sản phẩm của Trung tâm đều gắn chặt với khối doanh nghiệp trong khu, các nhà máy, khối viện trường. Tất cả sản phẩm đều được cấp phép lưu hành, nhất là mảng y tế hàng năm đều có sản phẩm. Chỉ riêng năm 2020, Trung tâm đã khai thác được 3 đơn sở hữu trí tuệ trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu. 

Là doanh nghiệp hợp tác với Khu Công nghệ cao phát triển sản phẩm từ nghiên cứu công nghệ nano, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bách Thư chia sẻ, Công ty muốn phối hợp đưa những nghiên cứu khoa học thành những sản phẩm thương mại hóa. Trong đó, công nghệ nano được nghiên cứu tại khu phù hợp với sản phẩm phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến hô hấp của doanh nghiệp. Hợp tác đầu tay là nước súc miệng Asin, hai bên đang cung ứng ra thị trường gần 100.000 sản phẩm và bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. 

Hiện Trung tâm Nghiên cứu triển khai đang hướng tới mô hình mới, là trung tâm phát triển về công nghệ và đưa những công nghệ này về các nhà máy ở tỉnh, thành phố khác gia công. Theo ông Ngô Võ Kế Thành, với mô hình này, Trung tâm đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghệ cho khu vực phía Nam. Trung tâm đặt chỉ tiêu về tỉ lệ phần “D” (phát triển sản phẩm) chiếm hơn 60 – 70% và phần “R” (nghiên cứu) gắn với trường viện chiếm khoảng 30% trong thời gian tới.

Từ những định hướng cụ thể cho giai đoạn mới, Khu Công nghệ cao đặt mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 đạt 3 tỷ USD với trên 50 dự án công nghệ cao, trong đó thu hút thành công từ 1-2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới. Điều này nhằm hướng tới khẳng định vị thế đầu tàu trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh.

Tiến Lực (TTXVN)
Nuôi tôm công nghệ cao lợi nhuận tăng gấp 4 lần
Nuôi tôm công nghệ cao lợi nhuận tăng gấp 4 lần

Trước những rủi ro trong chăn nuôi, hiệu quả mang lại không cao, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở Bến Tre đã chuyển đổi từ hình thức nuôi truyền thống sang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn. Với cách nuôi này, người nuôi tôm thu lợi nhuận tăng gấp 4 lần so với nuôi theo cách truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN