Tới dự có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Tây Ninh và các tỉnh lân cận; đại diện Đại sứ quán các nước Bỉ, Hà Lan, Indonesia; Hiệp Hội Nông nghiệp số Việt Nam, Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và gần 500 khách hàng là các đại lý, trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà nằm trong chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, bền vững hướng tới xuất khẩu của Công ty cổ phần Bel Gà cùng các đối tác đầu tư tại các huyện Tân Châu, Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) gồm: 2 trang trại gà bố mẹ cung ứng đủ số lượng nuôi cho 250 trang trại chăn nuôi gà thịt với công suất 25 triệu con gà/năm và tổ hợp các nhà máy sản xuất, chế biến theo chuỗi khép kín, với số vốn đầu tư ước tính trên 3.325 tỷ đồng, tương đương 141,5 triệu USD.
Theo đó, nhà máy này có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng được xây dựng trên diện tích 15.000 m2, với công suất thiết kế giai đoạn I trên 19 triệu gà con/năm và giai đoạn II sẽ mở rộng công suất lên đến 38,4 triệu gà con/năm.
Ông Kris Van Daele - Tổng Giám đốc Bel Gà Việt Nam và Campuchia cho biết, các sản phẩm gà con một ngày tuổi hướng thịt và hướng trứng của Bel Gà sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP thông qua việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ an toàn sinh học trong chăn nuôi và sản xuất, giám sát chất lượng đầu vào của trứng ấp.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ các trang trại gà bố mẹ có mật độ chăn nuôi thấp gắn với kiểm soát hiệu quả nhiệt độ thông qua các máy móc ấp nở hiện đại nhằm đảm bảo cho ra các sản phẩm gà con một ngày tuổi có chất lượng tốt nhất và truy xuất được nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho hay, việc khánh thành và đưa nhà máy vào hoạt động được xem là một trong những dự án tiêu biểu của tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp của Tây Ninh. Tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa để chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, bền vững hướng tới xuất khẩu của Công ty cổ phần Bel Gà sớm được vận hành, hòa vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Tây Ninh cũng như cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đây được xem là hướng đi mới của tỉnh Tây Ninh và các tỉnh lân cận, hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển chung của ngành chăn nuôi Việt Nam. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ cao, hiện đại, đồng bộ và khép kín trong chuỗi chăn nuôi sẽ tạo ra giá trị kinh tế lớn, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tây Ninh và cả vùng Nam bộ.