Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa  

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, để hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển đúng định hướng, mạnh và bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Chú thích ảnh
Nuôi bò thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ở Bến Tre. Ảnh tư liệu: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi thuộc nhóm các tỉnh có hoạt động chăn nuôi tiên tiến trong cả nước. Ngoài ra, sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bến Tre phát triển các loại hình chăn nuôi với quy mô trang trại và các quy mô khác đạt từ 30% đến 50%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được ít nhất một vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện và đến năm 2030 có ít nhất hai vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện.

Giai đoạn 2021-2030, Bến Tre phát triển đàn bò, đàn lợn chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp với các giống cao sản và giống địa phương có tính tiềm năng.Tỉnh duy trì tổng đàn lợn có mặt thường xuyên từ 540.000-720.000 con; trong đó, đàn lợn nái từ 50.000-80.000 con; đàn lợn được nuôi ở trang trại chiếm 30%-50%; tổng đàn bò thịt luôn duy trì từ 240.000 con-290.000 con; trong đó khoảng 10%-15 % được nuôi từ các trang trại công nghiệp.

Tỉnh phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp, với tổng đàn gà dao động từ 5-7 triệu con; trong đó khoảng 20%-30% được nuôi theo hướng công nghiệp; tổng đàn vịt dao động từ 1,5 triệu-2,5 triệu con; trong đó khoảng 10% -15% được nuôi theo hướng công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh duy trì đàn dê ở quy mô từ 170.000-180.000 con; trong đó khoảng 50% -60% là giống dê lai hướng thịt, sữa, được nuôi tại các cơ sở chăn nuôi bán công nghiệp kết hợp với chăn thả có kiểm soát.

Tỉnh Bến Tre cũng phấn đấu đến năm 2045, chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi như chính sách đất đai; chính sách tài chính và tín dụng; chính sách thương mại và chính sách khuyến nông và thông tin tuyên truyền. Tỉnh cũng triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới phát sinh, chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Tỉnh đẩy mạnh việc tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, sát trùng, vệ sinh môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm phục vụ kiểm soát, khống chế dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi và các bệnh nguy hiểm khác. Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, sự đồng nhất về sản phẩm của các giống vật nuôi trong sản xuất phù hợp với từng vùng, từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ tích cực cho chương trình xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc.

Bến Tre tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết; trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã. Tỉnh chú trọng củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực chăn nuôi làm cầu nối giữa các nông hộ, trang trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội, năm 2020, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Hiện tỉnh có tổng đàn lợn khoảng 310.520 con, giảm hơn 50% so với thời gian trước khi có dịch. 

Đáng chú ý, việc tái đàn lợn rất chậm do dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng trị, đàn lợn nái tại chỗ phục hồi chưa nhiều, nguồn con giống nhập ngoài tỉnh có giá khá đắt đỏ, nông dân thiếu vốn đầu tư nên phát triển đàn rất thận trọng. Năm 2020, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của tỉnh Bến tre ước đạt 90.406 tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tỉnh có tổng đàn gia cầm hơn 8,5 triệu con, đàn bò 228.450 con. Ngoài ra, việc chăn nuôi dê, thỏ của nông dân đang có xu hướng tăng đàn, do thị trường tiêu thụ ổn định, giá dê cao giúp tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Công Trí (TTXVN)
Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi: Lấy thị trường xuất khẩu làm động lực
Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi: Lấy thị trường xuất khẩu làm động lực

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Thực hiện chiến lược mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành chăn nuôi tiếp tục cơ cấu lại theo hướng hiện đại, liên hoàn, kép kín, từ tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại và lấy thị trường xuất khẩu làm động lực, áp lực để thúc đẩy hoàn thiện chất lượng trong sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN