Xyri đồng ý thêm thời gian cho quan sát viên AL

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Xyri ngày 25/1 (giờ Việt Nam) cho biết, nước này đã nhất trí gia hạn thêm một tháng nhiệm vụ của phái bộ quan sát viên Liên đoàn Arập (AL), từ 24/1 - 23/2, theo đề nghị của các ngoại trưởng AL.

Binh lính Xyri tại một chốt kiểm tra ở thành phố Homs ngày 23/1. Ảnh: Internet


Theo SANA, Ngoại trưởng Xyri Walid Muallem đã gửi thư cho Tổng thư ký AL Nabil Al-Arabi thông báo quyết định trên một ngày sau khi AL dọa đình chỉ nhiệm vụ của phái bộ này.

Phái bộ của AL đã bắt đầu làm việc tại Xyri từ ngày 26/12/2011 và đã trình báo cáo đầu tiên trong cuộc họp ngoại trưởng AL hôm 22/1. Các ngoại trưởng đã quyết định gia hạn thêm sứ mệnh này, đồng thời cung cấp thêm các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, nghị quyết của AL tại cuộc họp này cũng kêu gọi Tổng thống Xyri Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống để tiến tới thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong vòng hai tháng. Lời kêu gọi trên đã bị phía Xyri bác bỏ vì cho rằng AL đang can thiệp thô bạo và trắng trợn vào tình hình Xyri, cũng như tìm cách quốc tế hóa cuộc khủng hoảng tại nước này.
Cùng ngày 24/1, trong một phiên thảo luận về Trung Đông tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), các nước Anh, Pháp và Mỹ đã chỉ trích Nga vô trách nhiệm khi bán vũ khí cho Xyri.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Xyri, nhưng tháng trước, Xyri vừa ký một hợp đồng trị giá 550 triệu USD với Nga để mua 36 chiếc máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 tân tiến. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định "thương vụ này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế", trong khi Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng vụ buôn bán này "không hề ảnh hưởng tới tình hình hiện nay".

Trong khi đó, Anh, Pháp, Đức và các nước Arập đang soạn thảo một nghị quyết mới về Xyri để trình HĐBA bỏ phiếu vào đầu tuần tới. Tuy nhiên, nghị quyết này một lần nữa có thể vấp phải sự phản đối của Nga vì nội dung kêu gọi tất cả các nước hợp tác với AL thực thi những biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Assad.

Đến nay, HĐBA vẫn chưa thông qua một nghị quyết nào về tình hình tại Xyri. Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của châu Âu hồi tháng 10/2011 vì cho rằng đây là một âm mưu nhằm thay đổi chế độ tại Xyri.

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết các nhà ngoại giao Mỹ và Nga đã có các cuộc đối thoại "mang tính xây dựng" về Xyri. Theo bà, cuộc thảo luận tại Nga nói trên có thể giúp LHQ hợp tác chặt chẽ hơn nhằm giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng 10 tháng qua tại Xyri.
Trong khi đó, Tư lệnh tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, Đô đốc James Stavridischo, cho biết NATO không có ý định tiến hành bất kỳ cuộc can thiệp nào vào Xyri. Theo ông Stavridischo, NATO hiện không tiến hành bất kỳ phân tích chi tiết nào hay lên kế hoạch gì, mà chỉ đang theo dõi tình hình tại Xyri - quốc gia nằm sát biên giới của NATO. Ông cho biết NATO sẽ chỉ cân nhắc đến khả năng can thiệp nếu được LHQ hoặc AL đề nghị.

TTXVN/Tin tức

Xyri bác bỏ kế hoạch mới của AL
Xyri bác bỏ kế hoạch mới của AL

Ngày 24/1, Ngoại trưởng Xyri Walid Moallem đã chính thức bác bỏ kế hoạch mới của Liên đoàn Arập (AL) về việc yêu cầu Tổng thống nước này Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống để thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong giai đoạn chuyển tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN