Xin đừng quên những khúc đồng dao

Quê tôi ở vùng trung du, nơi có con sông Hồng đỏ nặng phù sa, nơi có rừng cọ đồi chè với những cánh đồng xanh ngát. Và nơi đó tuổi thơ tôi được ươm mầm và cất lên cùng cánh diều chan chứa ước mơ. Khi xa quê hay ở trong lòng quê hương, trong tôi vẫn vang lên những câu hát đồng dao của tuổi thơ ngày nào. Đó là dấu ấn không thể phai mờ trong hành trang của tôi.


Ngày còn thơ bé, những bài đồng dao được coi là công cụ của chúng tôi trong sinh hoạt vui chơi. Khi ấy, người lớn tuổi dùng câu ca điệu lý, điệu hò để giải khuây và biểu lộ tâm tư tình cảm của mình thì chúng tôi cũng dùng đồng dao để làm vui trong lúc cắt cỏ, chăn trâu và cũng dùng đồng dao chơi các trò chơi tập thể bên sườn núi, dưới lũy tre, trong đêm trăng sáng. Vào những đêm trăng, khi ăn cơm tối xong, chúng tôi vội buông đũa bát chạy ù ra lũy tre đầu làng, dưới gốc đa, í ới gọi nhau chơi những trò chơi như: Thả đỉa ba ba ú tim, nu na nu nống, rồng rắn lên mây, kéo cưa lừa xẻ… Trong các trò chơi như thế, đồng dao được chúng tôi coi là công cụ, phương tiện để tạo sự nhịp nhàng và không khí hứng khởi cho cuộc chơi.


Khi lớn lên, tôi mới biết đồng dao không chỉ là những câu hát để hát lên cho vui mà còn là một thể loại của văn học dân gian. Đồng dao là những sáng tác thuộc bộ phận ca dao sinh hoạt cộng đồng, là ca dao của nhi đồng. Khi người lớn có ca dao thì cũng có ca dao cho trẻ em, đó là những câu hát truyền miệng của con trẻ. Bằng những lời lẽ giản dị và vui tươi, những khúc đồng dao không chỉ giúp trẻ vui chơi giải trí trong những buổi sinh hoạt tập thể mà còn là kiểu bài học tự phát, thiết thực dành cho con trẻ. Có khi đó là những bài học bổ ích và lý thú cho những đứa trẻ con nhà nghèo ở nông thôn chúng tôi suốt đời không được đi học.


Đồng dao còn gắn với sự phát triển trí tuệ, tâm hồn con trẻ, nhu cầu hiểu biết của chúng tôi bằng một lối tư duy hết sức giản dị, hồn nhiên và trong sáng. Để giúp trẻ thơ chúng tôi phát triển vốn từ vựng và luyện kĩ năng tập nói, đồng dao có những bài hết sức ngộ nghĩnh:Một ông sao sáng/Hai ông sáng sao/Ba ông sao sáng/Bốn ông sáng sao.


Khi chúng tôi còn bập bẹ, cha tôi thường đọc những câu đồng dao luyện cho chúng tôi cách phát âm khó: Con cá mòi béo để gốc quéo cho mèo đói ăn/ Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch. Đồng dao có những bài cung cấp cho trẻ thế giới đầy màu sắc: Bồ các là bác chim ri/Chim ri là dì sáo sậu/Sáo sậu là cậu sáo đen/Sáo đen là em tu hú… Khi ru chúng tôi ngủ, bà và mẹ thường hát ru đồng dao để hình thành trong chúng tôi đức tính quí báu: Con cò đi đón cơn mưa/Tối tăm mù mịt ai đưa cò về/Cò về thăm quán cùng quê/Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh. Đến bây giờ, lời ru và cánh cò trong cơn mưa ấy vẫn chấp chới trong tâm hồn tôi. Đặc biệt hơn nữa là, có những hiện tượng mà trẻ thơ khó giải thích được thì đồng dao lại là những bài học khai sáng đầu đời của chúng tôi. Đồng dao cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết về cuộc sống hết sức mộc mạc, giản đơn nhưng chứa đựng rất nhiều điều thú vị: Con mèo con chó có lông/ Đòn gánh có mấu, nồi đồng có quai. Đồng dao còn gắn với công việc lao động thường nhật của con trẻ, qua những bài ca ngợi sự chăm chỉ của trẻ, đồng dao đã rèn đức tính yêu lao động của trẻ thơ: Cái bống là cái bống bang/Khéo sẩy khéo sàng cho mẹ nấu cơm…


Là những sáng tác truyền miệng nhưng đồng dao cũng mang những yếu tố nghệ thuật rõ rệt, đó là ở thể thơ ba chữ, bốn chữ ngắn gọn dễ nhớ dễ thuộc, ngôn ngữ giản dị, ít ẩn dụ, tượng trưng, cộng với lối kết cấu vòng tròn làm cho con trẻ có thể hát được nhiều lần, hát mãi không chán.


Mỗi người đều trải qua tuổi thơ tươi đẹp và êm đềm trong lời ru của bà, của mẹ, của chị, trong rập rờn cánh diều. Không ai có thể quên được những khúc đồng dao đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người, chắp cánh cho con người vào thế giới bao la rộng lớn. Dù đi đâu, về đâu, xin đừng quên những câu đồng dao- dấu ấn của một thời tuổi thơ không bao giờ phai nhạt.


N.T.L

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN