Giá dầu trồi sụt thất thường trong cả tuần qua. Có thời điểm dầu đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009, song cũng có lúc đạt mức tăng mạnh nhất/ngày kể từ năm 2009. Nhân tố chi phối thị trường năng lượng trong tuần này chủ yếu là các thông tin kinh tế Mỹ và những dự báo về giá dầu thế giới trong ngắn hạn.
Nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, tây Siberia (Nga). Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ngay từ đầu tuần này (26/1), giá “vàng đen” đã chạm mức thấp kỷ lục mới của sáu năm qua, bất chấp cảnh báo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) rằng giá “vàng đen” trong thời gian tới có thể vọt lên mức 200 USD/thùng khi vốn đầu tư vào hoạt động khai thác dầu suy giảm. Ngoài ra, theo giới phân tích, giá dầu sẽ còn biến động và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này sẽ suy giảm trong thời gian tới, giữa bối cảnh chiến thắng vừa qua của đảng Syriza tại Hy Lạp chắc chắn sẽ mang lại nhiều "rắc rối" hơn cho Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và "gây khó" cho Hy Lạp trong việc đối đầu với các chủ nợ quốc tế.
Tuy nhiên, mặt hàng này đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 27/1, nhờ đồng USD suy yếu do số liệu không mấy lạc quan về lượng đơn đặt hàng lâu bền của Mỹ trong tháng 12/2014. Dù vậy, xu hướng trên không duy trì được tới phiên giao dịch ngày 28/1, và giá dầu lại giảm xuống gần mức thấp nhất trong sáu năm, sau khi Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 23/1 đã tăng 8,9 triệu thùng, nâng tổng dự trữ dầu của nước này lên 406,7 triệu thùng. Đây là con số cao kỷ lục kể từ khi Chính phủ Mỹ bắt đầu thống kê số liệu này từ năm 1982. Điều này càng làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, giữa lúc nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu và sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ tăng.
Diễn biến tăng giảm đan xen của thị trường vẫn tiếp diễn, khi mà trong hai phiên giao dịch cuối tuần này (29-30/1), giá dầu đồng loạt đảo chiều tăng, bất chấp có lúc rơi xuống dưới mức 44 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 3/2009. Đáng chú ý là ở phiên cuối tuần, giá dầu ngọt nhẹ đã tăng hơn 8%, khi hoạt động mua vào được đẩy lên ở phiên giao dịch cuối cùng của tháng. Thêm vào đó, tâm lý của nhà đầu tư cũng bị chi phối trước những thông tin cho hay hoạt động khai thác dầu đang nhanh chóng bị thu hẹp lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/1, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 3/2015 tăng 3,71 USD (8,3%), lên 48,24 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 3,46 USD (7,9%), lên 52,99 USD/thùng.
Minh Trang(Tổng hợp)