Tuổi trẻ phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình - Thách thức đối với gia đình trẻ

Thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và gìn giữ những giá trị của gia đình và là nhân tố quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam.


 

Nhân kỷ niệm 12 năm Ngày gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2013), ngày 27/6/2013, tại công viên Lam Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Sở VH, TT&DL thành phố đã tổ chức khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề “Hạnh phúc gia đình - Niềm vui cho cộng đồng”. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

 

Một trong những vấn đề mà gia đình và công tác gia đình ở Việt Nam hiện đang đối mặt là trách nhiệm của thế hệ trẻ các dân tộc anh em.

 

Bà Nguyễn Thị Thông (Long Biên, Hà Nội) tâm sự, con bà bây giờ chỉ mải lo kiếm tiền, không dành nhiều thời gian để quan tâm đến cha mẹ già, chăm sóc con cái… “Chúng nó đi làm từ sáng đến tối mịt mới về nhà, vội vàng ăn uống rồi đi ngủ để hôm sau đi làm tiếp, không có thời gian trò chuyện, hỏi thăm bố mẹ, cũng không có nhiều thời gian để hỏi thăm xem con cái học hành như thế nào. Suốt ngày tôi chỉ biết làm bạn với cái tivi, còn mấy đứa trẻ thì vùi đầu vào máy vi tính, chả biết chúng nó làm gì nữa…”, bà Thông buồn rầu nói.


Cũng vì miếng cơm manh áo, mà vợ chồng anh Lê Văn Sơn (ở Vĩnh Phúc) đành để lại hai đứa con cho bố mẹ ở nhà trông nom, còn anh chị lên thành phố làm thuê lấy tiền nuôi con ăn học. “Cả nhà có hơn một sào ruộng khoán, cố mấy cũng chẳng đủ nuôi 2 con ăn học, nên vợ chồng tôi đành lên thành phố kiếm tiền, không chăm lo được cho cha mẹ, con cái, cũng khổ tâm lắm, âu cũng là chuyện ‘cực chẳng đã’ mà thôi”, anh Sơn cho biết.


Những chuyện tương tự không chỉ có ở gia đình bà Thông, anh Sơn, mà chắc hẳn còn có ở nhiều gia đình khác nữa.


Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH, TT & DL) thừa nhận, gia đình và công tác gia đình hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức. Xã hội ngày càng phát triển, mức sống của các gia đình cũng được nâng cao, điều này đồng nghĩa với việc các thành viên của gia đình, đặc biệt là cha mẹ trẻ, phải dành nhiều thời gian và công sức hơn cho việc kiếm tiền, do đó ít quan tâm hoặc lãng quên các chức năng khác, trong đó có chức năng rất quan trọng là giáo dục con cái, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Thống kê của ngành tòa án cho thấy, có đến 70% trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật đều có hoàn cảnh gia đình không êm ấm, cha mẹ thiếu quan tâm đến con. Đó chính là bi kịch của việc “thiên vị chức năng gia đình”, quá đề cao kinh tế, mà coi nhẹ các vấn đề khác như việc giáo dục, nêu cao truyền thống văn hóa gia đình, vun đắp tình cảm... Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS cũng đang thâm nhập các gia đình, nhất là gia đình trẻ. Hay tình trạng bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng…


Trong quá trình hội nhập và phát triển, giao lưu với xã hội, những thách thức về gia đình cũng xảy ra cả ở vùng đồng bào dân tộc ít người, đó là sự mai một văn hóa gia đình truyền thống.


Anh A Dăm Trai, dân tộc Ba Na (Kon Tum) kể, trước đây, người Ba Na chung sống trong một nhà gồm nhiều thế hệ: ông, bà, cha mẹ, con cái,… Con cái trong gia đình phải nghe lời dạy dỗ của ông bà, cha mẹ, không được lười biếng... Trong hôn nhân, hầu hết các gia đình người Ba Na đều là gia đình một vợ một chồng, các cặp vợ chồng đều sống với nhau hạnh phúc, không quan trọng người giàu, người nghèo, sự chênh lệch tuổi tác giữa nam và nữ... Quan trọng là trai gái phải thương yêu nhau, phải đạo đức tốt, cần cù, siêng năng và thạo việc. Rất ít trường hợp gia đình người Ba Na ly dị hoặc ly thân. Tuy nhiên, hiện nay, có một bộ phận gia đình thanh niên trẻ không còn am hiểu về truyền thống, tục lệ của làng. "Cơ cấu gia đình của người Ba Na hiện đang có nhiều biến đổi theo lối sống thực dụng, ích kỷ, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình đang đứng trước nguy cơ mai một, xói mòn", anh A Dăm Trai lo lắng.


Bên cạnh những vấn đề nói trên, gia đình Việt Nam còn đang đối diện với tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp…


Phương Hà

Tương lai gia đình Việt Nam phụ thuộc vào thế hệ trẻ

Xây dựng gia đình là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người luôn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN