Trong sáu năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo được hơn 14 triệu việc làm mới cho người dân. Để giữ tiến trình này, Mỹ cần theo đuổi con đường tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Hiện một trong những cơ hội lớn nhất của Mỹ ở bên ngoài chính là châu Á - Thái Bình Dương, khu vực sẽ trở thành thị trường đông dân nhất và sinh lợi nhất trên thế giới. Gia tăng thương mại với khu vực này sẽ là mối lợi đối với các doanh nghiệp, công nhân Mỹ và điều đó sẽ khiến Mỹ trở nên cạnh tranh hơn so với các đối thủ, kể cả Trung Quốc.
Tất nhiên, cơ hội kinh tế lớn nhất của Trung Quốc cũng nằm ở chính khu vực láng giềng này, bởi vậy mà Trung Quốc không để lãng phí thời gian. Trung Quốc đang đàm phán một thỏa thuận thương mại nhằm chia cắt thị trường phát triển nhanh nhất này khiến các doanh nghiệp Mỹ và việc làm của Mỹ lâm vào tình thế khó khăn. Vừa qua, Trung Quốc và 15 quốc gia khác đã họp tại Australia với mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm nay. Hiệp định này sẽ không ngăn chặn cạnh tranh không công bằng giữa các tập đoàn Nhà nước hoặc các tập đoàn do chính phủ hỗ trợ, cũng không bảo đảm mở cửa và tự do cho Internet. Hiệp định này cũng không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ theo cách có thể đảm bảo cho các nhà làm phim, nghệ sỹ, nhà sáng tạo Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
May mắn là Mỹ có một kế hoạch có thể đáp ứng tất cả những mục tiêu trên. Với tư cách một cường quốc Thái Bình Dương, Mỹ đã thúc đẩy phát triển một thỏa thuận thương mại tự do tiêu chuẩn cao, gọi là TPP. Đây là thỏa thuận đặt quyền lợi của công nhân Mỹ lên hàng đầu và bảo đảm rằng Mỹ sẽ dẫn dắt thương mại toàn cầu trong thế kỷ 21.
Thỏa thuận này củng cố nền kinh tế Mỹ. TPP gắn kết 12 quốc gia tương đương với 40% kinh tế thế giới để đảm bảo các tập đoàn tư nhân có sân chơi công bằng trong cạnh tranh với các tập đoàn nhà nước. TPP bảo đảm Internet mở cửa và tự do. TPP đẩy mạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp định này tạo ra "sân chơi" công bằng dựa trên việc đưa ra các tiêu chuẩn cao nhất và dỡ bỏ các hàng rào ngăn cản việc bán hàng Mỹ ra bên ngoài, bao gồm xóa bỏ hơn 18.000 loại thuế mà các quốc gia khác áp lên sản phẩm của Mỹ. Nếu TPP có hiệu lực thì các doanh nghiệp Mỹ sẽ xuất khẩu nhiều hơn và điều đó có nghĩa là sẽ tạo ra nhiều việc làm với mức lương cao hơn.
Nếu không có TPP, hàng hóa Mỹ tiếp tục phải chịu hàng rào thuế quan cũng như các rào cản thương mại khác trong khu vực này. Doanh nghiệp Mỹ sẽ mất cơ hội tiếp cận với các thị trường châu Á, trong khi số doanh nghiệp nhỏ hy vọng bán sản phẩm ra nước ngoài sẽ vẫn phải chịu các thủ tục rườm rà. Nếu không có TPP, những người lao động trên khắp nước Mỹ sẽ mất cơ hội cạnh tranh với các đối thủ khác trong một sân chơi bình đẳng. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp và công nhân Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng thì khi đó không ai có thể đánh bại.
Tổng thống Obama hiểu mối nghi ngại của mọi người đối với thỏa thuận thương mại, cụ thể là các công nhân và gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tự động hóa và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, xây dựng một bức tường cô lập Mỹ khỏi nền kinh tế thế giới sẽ chỉ khiến nước này tách biệt với những cơ hội phát triển tuyệt vời. Thay vào đó, Mỹ nên viết luật chơi. Mỹ nên dẫn dắt thương mại thế giới. Các quốc gia khác sẽ tham gia theo luật chơi mà Mỹ và các đối tác của Mỹ xây dựng nên.
Đó là sức mạnh mà TPP mang lại cho Mỹ. Đó là lý do mà Chính quyền Mỹ đang làm việc với lãnh đạo Quốc hội để bảo đảm cả hai đảng thông qua thỏa thuận này. Hãy nhớ rằng Mỹ càng chờ đợi lâu thì càng khó để thông qua TPP. Thế giới đã thay đổi. Các quy định đang thay đổi cùng với nó.