Do phong tục tập quán, trình độ nhận thức còn hạn chế, đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn vẫn có quan niệm phải sinh nhiều con và phải có con trai để nối dõi tông đường. Việc sinh nhiều con đã ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, làm cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đi kèm theo đó là gánh nặng dịch vụ an sinh xã hội, việc làm, giáo dục, y tế…
Bài 1: Gánh nặng đông con
Theo Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Pắc Nặm, năm 2013, số trẻ sinh mới là 556 trẻ (307 nam, 249 nữ); trong đó trẻ là con thứ 3 trở lên là 104 cháu, chiếm 18,7%, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2012 (đây là mức tăng cao nhất trong các huyện, thị xã).
Những đứa trẻ theo mẹ lên nương. |
Bộc Bố là xã trung tâm của huyện Pác Nặm, nhưng vẫn còn nhiều thôn kinh tế rất khó khăn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn khá phổ biến. Theo chân chị Nông Thị Thuấn, cán bộ chuyên trách dân số xã Bộc Bố vượt qua hàng chục cây số đường đèo, chúng tôi đến thôn Khâu Vai, xã Bộc Bố. Ngay từ đầu thôn, chúng tôi đã bắt gặp từng nhóm trẻ người lấm lem, sàn sàn tuổi nhau đang nô đùa. Chị Thuấn cho biết: “Chúng là anh em trong một nhà đó. Ở thôn này đa số là đồng bào Mông, sống biệt lập trên núi cao. Mỗi gia đình thường có từ 5 - 6 con trở lên, thậm chí có nhà đến 9 - 10 con. Từ đầu năm đến nay, thôn đã có 2 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Toàn thôn có 51 hộ thì 20 cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ.
Chị Di, ở thôn Khâu Vai, sinh năm 1989, nhưng đã có 4 con, đứa lớn năm nay mới học lớp 3. Căn nhà bằng liếp tre hở tứ phía, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá. Trên nóc nhà treo lơ lửng mấy bắp ngô, dưới góc sàn chiếc gùi nằm chỏng chơ, quần áo vương vãi mỗi nơi một chiếc. Những đứa trẻ mặt mũi lem luốc, nhặt mấy bắp ngô mang đi xay. Chị Di cho biết: “Gia đình chỉ khai hoang được ít ruộng trên nương để trồng ngô. Được mùa còn đỡ, mất mùa thì lại phải trông chờ sự viện trợ của Nhà nước, nên người dân ở đây thiếu ăn quanh năm”.
Chị Đào Thị Nhung, cộng tác viên dân số thôn Khâu Vai cho biết: Do bất đồng ngôn ngữ, các gia đình lại ở cách nhau mấy quả đồi, nên công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Có rất nhiều cặp vợ chồng ở đây sinh con thứ 3 trở lên. Đông con lại không có việc làm ổn định, thiếu ruộng đất, nên các hộ dân ở đây đều là hộ nghèo.
Tình trạng cũng tương tự ở thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng. Từ đầu năm đến nay thôn đã có 5 người sinh con thứ 3 trở lên như: chị Đào Thị Sía, Vằng Thị Sải, anh Dương Văn Hùng... Cá biệt có người sinh 2 con trong một năm, đứa này chưa kịp lớn đứa khác đã ra đời.
Ở các thôn bản vùng cao của huyện Pác Nặm vẫn còn rất nhiều câu chuyện về các gia đình đông con dẫn tới nghèo đói và thất học. Nguyên do của tình trạng này là những quan niệm lạc hậu như: Đông con là nhà có phúc, trời sinh voi, trời sinh cỏ... Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, nhưng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ đạt 75%. Bởi vậy, việc sinh con thứ 3 trở lên ở Pác Nặm đang là vấn đề nan giải.