Giảm tình trạng bỏ rơi trẻ em - Bài cuối: Thực hiện các biện pháp trợ giúp
Thừa nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi là một thực tế đang diễn ra hiện nay, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) Nguyễn Hải Hữu (ảnh) cho rằng: Phòng ngừa, can thiệp sớm, kết hợp với tăng cường các dịch vụ trợ giúp trực tiếp, sẽ là những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tình trạng bỏ rơi trẻ em.
Gần đây, dư luận bày tỏ nhiều lo ngại trước thực trạng bỏ rơi trẻ em hiện nay. Thực tế vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Hiện tượng bỏ rơi trẻ vẫn là một thực tế đang diễn ra. Do có những phụ nữ sinh con ngoài ý muốn hoặc sinh con bị khuyết tật, mà bản thân và gia đình họ không có điều kiện chăm sóc, mới dẫn đến việc họ phải dứt ruột từ bỏ quyền nuôi con. Nói là bỏ rơi nhưng khi mang con đi, họ cũng nhằm vào các địa chỉ tin cậy là nhà chùa, bệnh viện, các cơ sở xã hội nơi mà theo cách suy nghĩ của họ, có điều kiện và có người nuôi các con họ tốt hơn họ nuôi.
Vậy theo ông, phải làm thế nào để giảm tình trạng này?
Đứng về góc độ quản lý nhà nước, cần làm công tác phòng ngừa thật tốt. Các bậc cha mẹ, chính quyền địa phương phải hiểu và lựa chọn giải pháp tốt hơn. Đồng thời, chúng ta phải có biện pháp để phát hiện và can thiệp sớm.
Chẳng hạn, đối với những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, mà gia đình có vấn đề không nuôi được các cháu, các nhân viên công tác xã hội tại địa phương (phường, xã) có trách nhiệm tìm hiểu để sớm phát hiện. Từ đó, quan tâm tư vấn để những phụ nữ này có cách xử lý tốt, góp phần giảm tình trạng bỏ rơi trẻ em. Bởi những người mẹ lúc đó cũng gặp những khủng hoảng về tinh thần. Họ cũng cần được tham vấn, tư vấn và thậm chí trị liệu về tâm lý.
Những nhân viên công tác xã hội có thể cung cấp thông tin giúp những bà mẹ có con ngoài ý muốn tìm gia đình chăm sóc thay thế cho con trẻ. Những nhân viên tại các địa phương có trách nhiệm tìm hiểu, chia sẻ thông tin với nhau nhằm kết nối giữa những bà mẹ có con ngoài ý muốn với những bà mẹ có nhu cầu nhận con trên nguyên tắc bảo đảm bí mật thông tin. Đồng thời, giúp các bà mẹ hoàn thiện các thủ tục giấy tờ cần thiết...
Những đứa trẻ bị bỏ rơi rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. |
Rất nhiều nơi, cộng đồng không chấp nhận việc phụ nữ không chồng mà sinh con. Không phải nơi nào cũng cho rằng việc có con là quyền hợp pháp của người phụ nữ. Không phải người phụ nữ nào cũng dũng cảm dám đương đầu với dư luận xã hội. Chính các biện pháp trợ giúp này giúp họ khẳng định và yên tâm sẽ có rất nhiều người bên cạnh giúp họ chăm sóc con. Như vậy, sẽ giảm tình trạng bỏ rơi trẻ.
Có nhiều trường hợp trẻ bị bỏ rơi lúc 1 hoặc 2 tuổi, do gia đình trẻ hoặc bản thân người mẹ không đủ điều kiện kinh tế nuôi con. Giải pháp nào để khắc phục việc bỏ rơi trẻ trong những trường hợp như vậy, thưa ông?
Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp chính là nhóm giải pháp tiếp theo góp phần hạn chế tình trạng bỏ rơi trẻ em. Thông qua đội ngũ nhân viên công tác xã hội, thông qua gia đình, qua cộng đồng để thực hiện các biện pháp trợ giúp cho chính trẻ em và các bà mẹ trẻ.
Bên cạnh đó, cần làm tốt việc trợ giúp về chăm sóc. Một gia đình khó khăn về kinh tế lại sinh đứa con khuyết tật thì cán bộ xã hội cần tiếp cận, giúp đỡ, giúp trẻ được tiếp cận các cơ sở phục hồi chức năng, được giải quyết các chế độ trợ cấp xã hội, được chăm sóc tốt về sức khỏe.
Việc thành lập những trung tâm chăm sóc trẻ em ban ngày cũng là một cách làm hay. Với những trẻ khuyết tật, các bà mẹ có thể gửi con mình tại những trung tâm này để yên tâm đi làm, cải thiện thu nhập. Giải pháp trợ giúp trực tiếp nếu được làm tốt cũng sẽ giúp người trong cuộc cân bằng lại để không có hành vi bỏ rơi trẻ.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Minh (thực hiện)