Trước thực trạng bỏ rơi và từ bỏ trẻ đang tăng lên trong thời gian qua, các chuyên gia quốc tế về bảo vệ trẻ em khuyến cáo, Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ cho các gia đình nghèo, tránh tình trạng các bậc cha mẹ từ bỏ con. Mặt khác, việc xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ để phát hiện và ngăn ngừa các trường hợp có nguy cơ cũng cần được quan tâm đầu tư.
Bỏ rơi con vì nghèo và thiếu hiểu biết
Theo Bộ LĐ-TB&XH, từ 2004 đến năm 2012, có khoảng 176.000 trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi trên toàn quốc. Trong đó, ít nhất 21.000 trẻ sống trong các cơ sở chăm sóc tập trung, gồm trẻ bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị HIV, bị khuyết tật... Điều đáng nói, có tới 80 - 90% số trẻ làm con nuôi ở nước ngoài được cho là bị bỏ rơi.
Thành lập từ năm 1992, Trung tâm xã hội Hòa Bình đã tiếp nhận chăm sóc, phục hồi chức năng cho 1.000 trẻ là trẻ mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng... Ảnh: Nguyễn Thủy- TTXVN |
10 tỉnh có số lượng trẻ em bị bỏ rơi nhiều nhất là Quảng Ngãi, Tiền Giang, Đồng Nai, Nam Định, Lạng Sơn, Long An, An Giang, Điện Biên, Hà Nội, Thái Bình. Chẳng hạn, năm 2011, Quảng Ngãi có 2.277 trẻ bị bỏ rơi, Tiền Giang có 1.125 trẻ, Đồng Nai có 628 trẻ...
Bà Lê Thị Hồng Loan, Trưởng Chương trình chăm sóc và bảo vệ trẻ em Liên hợp quốc lo ngại: “Số trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa đang có xu hướng gia tăng”. Tuy nhiên, khó đưa ra một kết luận cuối cùng về bản chất thực sự và nguyên nhân của tình trạng bỏ rơi trẻ do không xác định, tìm kiếm được cha mẹ đã bỏ rơi trẻ - nguồn cung cấp thông tin chính. Theo đại diện Cục Bảo trợ xã hội, nghèo đói là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc trẻ bị tách khỏi gia đình. Hơn nữa, việc dư luận chưa cảm thông với các bà mẹ đơn thân cũng dẫn đến tình trạng họ phải chọn giải pháp từ bỏ con. Việc thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản làm gia tăng hiện tượng có thai ngoài ý muốn cũng là lý do góp phần gia tăng tình trạng trẻ bị bỏ rơi.
Nhóm những phụ nữ có nguy cơ bỏ rơi trẻ em là các bà mẹ tuổi vị thành niên, nữ sinh có thai ngoài ý muốn, những phụ nữ trẻ trong các khu công nghiệp, những phụ nữ có vấn đề về sức khỏe như nhiễm HIV và tâm thần, các bà mẹ đơn thân, bà mẹ khó khăn về kinh tế...
Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Hải Hữu cho biết, các chính sách trợ cấp xã hội dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn hiện còn ở mức thấp cũng là một lý do khiến nhiều gia đình từ bỏ quyền nuôi con. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội cho trẻ em là 180.000 đồng/tháng, chỉ bằng 20% mức sống trung bình năm 2011, bằng 36% mức thu nhập theo chuẩn nghèo thành thị và 45% chuẩn nghèo nông thôn.
Bên cạnh đó, độ bao phủ của các chính sách trợ cấp xã hội đối với trẻ em chỉ đạt 2,2%, trong khi độ bao phủ chung của toàn dân số nước ta là 3%. Đã thế, chính sách trợ cấp cũng chỉ mới đến được khoảng 30% tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của cả nước.
Cần một chương trình hành động quốc gia
Một trong những khuyến cáo đầu tiên của các chuyên gia Liên hợp quốc để ngăn ngừa tình trạng bỏ rơi trẻ là xây dựng chương trình hành động quốc gia 5 năm dành cho trẻ bị bỏ rơi. Một kế hoạch toàn diện trong khoảng thời gian đó là rất cần thiết. Bộ LĐ-TB&XH cần đi đầu trong việc xây dựng chương trình này, thông qua hợp tác với các bộ liên quan, UNICEF và các tổ chức phi chính phủ, các bên liên quan trong đó có cả trẻ em.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thiết lập một nhóm liên ngành về trẻ em bị bỏ rơi, nâng cao năng lực cho nhân viên làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc trẻ thuộc diện này; tăng cường hợp tác quốc tế để tránh việc nuôi con nuôi nước ngoài trở thành yếu tố thúc đẩy những người làm cha làm mẹ muốn bỏ rơi hoặc từ bỏ con mình. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không còn định kiến đối với những bà mẹ đơn thân.
Theo ông Tô Đức, Trưởng Phòng Công tác xã hội (Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐ-TB&XH), các dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có đối tượng trẻ bị bỏ rơi, hiện chưa chuyên nghiệp. Ông Jesper Moller, Trưởng đại diện UNICEF khuyến cáo, Việt Nam cần xây dựng dịch vụ tư vấn hỗ trợ để phát hiện sớm nguy cơ bỏ rơi trẻ ở những gia đình nghèo và có chính sách hỗ trợ các gia đình này. Bởi khi cơm áo gạo tiền không còn là gánh nặng thì nguy cơ dẫn đến việc các gia đình này bỏ rơi con cũng giảm đi rất nhiều.
Mạnh Minh