Ngày 28/9, Thủ tướng Libya Abdullah al-Thinni cùng nội các đã chính thức tuyên thệ nhậm chức sau khi được Quốc hội phê chuẩn.
gTân thủ tướng al-Thani. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chính phủ mới ở Libya gồm 13 thành viên, trong đó có 3 Phó Thủ tướng và 10 Bộ trưởng. Chính phủ mới không có Bộ trưởng Dầu mỏ vì lĩnh vực dầu mỏ sẽ do Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia (NOC) quản lý. Ghế Bộ trưởng Quốc phòng cũng bỏ trống và Tham mưu trưởng sẽ điều hành quân đội.
Trước đó, Thủ tướng al-Thani đã trình danh sách nội các gồm 16 thành viên, song đã hai lần bị Quốc hội bác bỏ vì cho rằng quy mô một chính phủ thời khủng hoảng như vậy là quá lớn. Ông al-Thani từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, được chỉ định làm Thủ tướng tạm quyền từ tháng 3 vừa qua. Ngày 1/9, ông đã được Quốc hội mới bầu tái bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Bắc Phi này.
Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng, cũng như sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội. Từ giữa tháng 7 vừa qua, đụng độ leo thang tại thủ đô Tripoli và thành phố cảng Benghazi ở miền Đông giữa các liên minh đối địch đã khiến hàng hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hàng chục nghìn người nước ngoài phải về nước. Giao tranh ác liệt tại Tripoli khiến cả Quốc hội mới được bầu và được quốc tế công nhận cũng như chính phủ phải chuyển trụ sở về thành phố Tobruk gần biên giới với Ai Cập.
Trong khi đó cơ quan lập pháp cũ - Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) - không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli với sự hậu thuẫn của phiến quân.
Phát biểu ngày 27/9 tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 69 tại New York (Mỹ), Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh Eissa đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ vũ khí cho nước này chiến đấu chống phiến quân, khôi phục an ninh và xây dựng lại thể chế. Theo ông Eissa, Libya đang phải một mình đối mặt với khủng bố, LHQ cần áp đặt các lệnh trừng phạt hoặc ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố lan rộng tại khu vực Bắc Phi và Sahel.
TTXVN/ Tin Tức