Các hãng hàng không trên thế giới sẽ cần triển khai việc tuyển chọn và đào tạo cho 558.000 phi công mới trong vòng 20 năm tới để có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ngày một tăng cao.
Khu vực châu Á - TBD cần huấn luyện khoảng 226.000 phi công mới phục vụ cho các chuyến bay thương mại. |
Trong một báo cáo công bố ngày 20/7, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tuyển chọn và huấn luyện khoảng 40% phi công mới (tương đương 226.000 phi công) phục vụ cho các chuyến bay thương mại. Tương tự nhu cầu tuyển dụng phi công mới, thế giới cũng cần tuyển thêm 609.000 nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, trong đó nhu cầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 39% số này. Đội ngũ mới này sẽ là nguồn nhân lực chính trong việc đưa vào hoạt động 38.000 máy bay mới, bổ sung vào lượng máy bay trên toàn cầu trong vòng hai thập kỷ tới. Boeing hiện có tổng cộng 17 cơ sở huấn luyện trên toàn thế giới.
Xếp sau khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nhu cầu tuyển dụng phi công là khu vực Bắc Mỹ và châu Âu với 95.000 đợt tuyển dụng phi công mới dự kiến sẽ diễn ra trong 20 năm tới và tiếp đó lần lượt là các khu vực Trung Đông (60.000 phi công mới ), Mỹ Latinh (+47.000), châu Phi (+18.000) và Nga cùng các nước thành viên Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS) (+17.000). So với báo cáo năm ngoái, báo cáo năm nay của Boeing cho thấy nhu cầu tuyển dụng phi công tăng hơn 4% trong khi nhu cầu về nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng máy bay tăng khoảng 5%.
Trao đổi với báo giới, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận Dịch vụ bay của hãng Boeing, ông Sherry Carbary, nhấn mạnh việc đáp ứng nhu cầu về phi công và các nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng máy bay của thế giới sẽ không thể thực hiện được nếu như chỉ phụ thuộc vào một mình Boeing. Theo ông Carbary, để đáp ứng nhu cầu này cần có sự phối hợp giữa các hãng chế tạo máy bay, các hãng hàng không, các hãng chế tạo thiết bị huấn luyện phi công, các tổ chức huấn luyện phi công, các cơ quan quản lý và các tổ chức giáo dục.