Thanh niên 9X thành tỷ phú nhờ nuôi ong mật

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau 4 năm lao động miệt mài, cùng với niềm đam mê nghề nuôi ong mật, đến nay, chàng trai trẻ Quách Trung Kiên, sinh năm 1992, thôn Quang Thái 2, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã có trong tay hơn 1.000 đàn ong mật, mỗi năm cho thu lãi gần 1,5 tỷ đồng.

Mẹ mất sớm, bố ốm đau quanh năm, nên sau khi tốt nghiệp THPT, Quách Trung Kiên không thi đại học, mà quyết định ở nhà lao động, phụ giúp gia đình, nuôi em ăn học. Với mong muốn kiếm tiền để đỡ đần bố trang trải cuộc sống, Kiên đã không ngại khó khăn làm rất nhiều nghề để kiếm sống, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn.

Anh Quách Trung Kiên chuẩn bị thùng để nuôi ong.

Quách Trung Kiên chia sẻ: Năm 2012, người bác của Kiên ở thành phố Tuyên Quang có mang 2 thùng ong mật đến nhờ anh chăm sóc trong thời gian vắng nhà. Mỗi ngày 1 lần, anh tiếp xúc với đàn ong để kiểm tra sự phát triển, dần dần cảm thấy yêu thích và có ý định gắn bó với công việc này. Qua tìm hiểu thông tin trên sách, báo và internet, nhận thấy nghề nuôi ong đang trở thành hướng đi mới để phát triển kinh tế, anh đã ấp ủ trong mình ý định thành lập trang trại nuôi ong mật.

Cuối năm 2012, anh Kiên mạnh dạn vay 50 triệu đồng, đầu tư mua 36 đàn ong về nuôi. Thời gian đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi ong, anh Kiên gặp không ít khó khăn khi đàn ong cho sản lượng mật thấp và thường xuyên bị bệnh. Để khắc phục tình trạng trên, anh Kiên dành thời gian đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm phục vụ công việc của mình. Theo đó, để đàn ong cho mật quanh năm, anh Kiên liên tục di chuyển đàn ong của mình đến tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, thậm chí đến cả tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng... để lấy mật các loài hoa đặc trưng của từng địa phương. Không phụ công người, từ 36 đàn ong ban đầu, đến nay anh Kiên đã nhân giống lên hơn 1.000 đàn ong, thu hoạch trên 50 tấn mật/năm, với giá bán trung bình 50 triệu đồng/tấn, trừ hết chi phí mỗi năm anh Kiên thu lãi gần 1,5 tỷ đồng.

Anh Quách Trung Kiên chăm sóc đàn ong.

Trong thời gian tới, anh Kiên có dự định thành lập hợp tác xã nuôi ong, tiến tới xây dựng thương hiệu mật ong chất lượng cao, tạo thị trường ổn định cho sản phẩm, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Anh cũng mong muốn sớm thành lập hợp tác xã để tập hợp những thanh niên trong xã có cùng sở thích nuôi ong, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, Kiên còn nhiệt tình giúp đỡ những hộ nuôi ong trong vùng, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong, tiêu thụ sản phẩm... Hiện trang trại nuôi ong của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Quách Hoàng Hải, thôn Quang Thái 2, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên cho biết: “Nhờ có anh Kiên nhận vào làm việc tại trang trại mà tôi có thu nhập ổn định góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Bí thư Đoàn xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên Nguyễn Thị Dung cho biết: Anh Kiên là đoàn viên tiêu biểu đi đầu trong phong trào “Tuổi trẻ thi đua phát triển kinh tế của địa phương”. Bên cạnh đó, anh Kiên rất tích cực tham gia các phong trào do Đoàn xã phát động, sẵn sàng giúp đỡ các thanh niên khác lập thân, lập nghiệp, xây dựng cuộc sống ổn định hơn.
Bài và ảnh: Quang Cường
Nuôi ong mật không khó
Nuôi ong mật không khó

Đến xóm Bản Giàng, xã Đa Thông, huyện Thông Nông (Cao Bằng), hỏi chị Nông Thị Hồng, dân tộc Tày, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) nuôi ong huyện Thông Nông, ai cũng biết và cảm phục, bởi chị đã và đang làm giàu trên chính quê hương của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN