Khi lập gia đình, cuộc sống gia đình chị Hồng chỉ trông vào mảnh ruộng nhỏ, phải cấy nhờ thêm ruộng của anh em họ hàng mới đủ ăn. Vợ chồng chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua lợn giống về nuôi, đầu tư nuôi 5 - 8 thùng ong mật, tuy có thu nhập nhưng không đáng kể.
Chị Hồng kiểm tra chất lượng đàn ong mật. |
Đầu năm 2011, chị Hồng tham gia CLB nuôi ong huyện Thông Nông, được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, quản lý đàn ong, hỗ trợ đàn ong giống. Hiện nay, CLB có trên 30 thành viên, chị Hồng được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB.
Chị Hồng chia sẻ: Nuôi ong mật phải hiểu kỹ thuật chăm sóc đàn ong, biện pháp nuôi cũng rất đơn giản. Để tăng đàn ong, cứ cách khoảng 2 năm tiến hành thay giống ong chúa đã già một lần...; thường xuyên vệ sinh thùng; gỗ đóng thùng ong nên chọn gỗ không mùi, như: sung, gạo, sau sau… Mùa đông phải che chắn cẩn thận, không để ong bị lạnh, không để mưa thấm ướt vào thùng ong. Mỗi thùng để khoảng 3 - 4 cầu ong; đến mùa xuân, lượng mật hoa nhiều hơn, thì để 6 cầu ong/thùng.
Có kinh nghiệm, vợ chồng chị Hồng thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong mật cho các hội viên mới trong xã và các xã khác; một số thành viên CLB được chị hỗ trợ đàn ong để nuôi. Với hơn 50 thùng ong, mỗi năm gia đình chị thu được hơn 120 lít mật, với giá bán khoảng hơn 200.000 đồng/lít, đem lại hơn 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, vợ chồng chị còn trồng hơn 4.000 m2 thuốc lá; nuôi cá và trồng các loại cây lương thực khác cũng cho thu nhập khá. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình chị gần 100 triệu đồng.
Dự định của chị Hồng trong thời gian tới là nhân rộng đàn ong lên khoảng 70 - 80 thùng ong. Theo chị, đây là một nghề phù hợp với điều kiện miền núi, không tốn nhiều công sức mà đem lại thu nhập cao, tốt cho môi trường sống xung quanh.