Ông Lưu Hồng Tươi, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc với mô hình trồng dừa, mít, thanh long, bưởi… Ảnh: Lê Sen/TTXVN
Trong số này, có 165 mã số xuất khẩu được Cục Bảo vệ thực vật cấp từ năm 2022 cho các vùng trồng để xuất khẩu nông sản sang các thị trường EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… và 422 mã số vùng trồng khác, chờ cấp mã số xuất khẩu.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, qua việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, người dân được hướng dẫn, trang bị kiến thức, tập huấn kỹ năng về quản lý, tổ chức sản xuất, kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý sinh vật gây hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, an toàn thực phẩm trong nông sản, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở sản xuất thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật, sản xuất thâm canh theo hướng GAP… nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu theo quy định.
Mặt khác, việc xây dựng mã số vùng trồng giúp chuyển biến nhận thức của người dân, thay đổi tập quán canh tác, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, ngày càng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất, canh tác truyền thống.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh, tiến tới nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, giá trị kinh tế cao, ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng cho nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn về xuất khẩu. Tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về mã số vùng trồng, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng cây chủ lực, tập huấn hướng dẫn thiết lập, quản lý mã số vùng trồng cho cán bộ quản lý nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức, cá nhân ở các vùng sản xuất nông sản tập trung trên địa bàn. Cụ thể về chính sách phát triển các vùng trồng cây chủ lực, hồ sơ cấp mã số vùng trồng nông sản tập trung theo quy định, quy trình canh tác các loại cây trồng theo hướng GAP, hữu cơ và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, đảm bảo mức dư lượng tối đa cho phép, an toàn thực phẩm, hướng dẫn quy trình thiết lập, cấp, quản lý, kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cho các tổ chức, cá nhân. Đơn vị chức năng chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về vùng trồng như: Thông tin vùng trồng, giống cây trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình quản lý sinh vật hại, cập nhật các thay đổi tại vùng trồng về diện tích, sản lượng thu hoạch… đối với các mã số vùng trồng đã được cấp.
Tỉnh cấp mã số vùng trồng, kiểm soát một cách hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho nông sản xuất khẩu sang thị trường các nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Cùng đó, tỉnh hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tỉnh vận động, kêu gọi doanh nghiệp tích cực phối hợp, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Khuyến cáo, đề nghị tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số vùng trồng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, thực hiện tốt các tiêu chí, yêu cầu về mã số vùng trồng theo quy định.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2025 về sản lượng cây ăn trái, cây công nghiệp và rau quả, tỉnh đặt mục tiêu cây bắp (ngô) 2.448 tấn, chuối 82.950 tấn, cây có củ 138.935 tấn), rau quả thực phẩm 301.650 tấn, cây công nghiệp, ăn trái 248.950 tấn…
Theo đó, tỉnh phát triển các vùng sản xuất như: Cây công nghiệp (hồ tiêu, sim) chất lượng cao các huyện Kiên Lương, Gò Quao, Giồng Riềng và 2 thành phố Hà Tiên, Phú Quốc; vùng khóm (dứa) chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu ở các huyện Gò Quao, Châu Thành, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng; cây chuối, xoài, cây có múi, sầu riêng, chanh leo tập trung ở các huyện U Minh Thượng, Gò Quao, Giồng Riềng, Hòn Đất và thành phố Phú Quốc; sản xuất cây dược liệu tập trung ở huyện Hòn Đất và U Minh Thượng; vùng sản xuất rau tập trung quanh khu vực các đô thị, phân bổ ở các huyện, thành phố như: Châu Thành, Rạch Giá, Phú Quốc, các huyện vùng Tây sông Hậu và vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Tỉnh phát triển vùng trồng trọt tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới đáp ứng nhu cầu thị trường và lợi thế của địa phương; xây dựng các vùng chuyên canh, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tổ chức sản xuất linh hoạt, thích ứng với thời tiết, biến đổi khí hậu.
Cạnh đó, ngành chức năng tăng cường phổ biến, chuyển giao giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh. Tỉnh đẩy mạnh công tác cấp mã số, quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường nông sản; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại cây trồng, chủ động phòng ngừa đối với loại sâu bệnh mới; kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…