Vượt qua hành trình 570 triệu km trong vũ trụ, vào hồi 5 giờ 32 GMT (12 giờ 32 giờ VN) ngày 6/8, tàu thăm dò tối tân bậc nhất của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sáng 6/8 đã đáp thành công xuống bề mặt sao Hỏa sau “7 phút kinh hoàng”, chính thức bắt đầu sứ mạng tìm kiếm các dấu vết của sự sống trên hành tinh đỏ.
Xe tự hành (dưới) rời “sky crane” trước khi đáp xuống bề mặt sao Hỏa. |
Được phóng từ Mũi Canaveral, bang Florida (Mỹ) vào ngày 26/11/2011, sau 8 tháng rưỡi bay trong vũ trụ, Curiosity đã xuất sắc vượt qua giai đoạn mà các nhà khoa học của NASA gọi là “7 phút kinh hoàng”, khi tàu tự hành này phải xuyên qua bầu khí quyển sao Hỏa, nơi nhiệt độ lên tới 871 độ C, với vận tốc 21.240 km/giờ (nhanh gấp 17 lần vận tốc âm thanh), trước khi đáp xuống một vùng lòng chảo mang tên Gale.
Từ khoảng cách 125 km so với bề mặt sao Hỏa, tàu Curiosity bắt đầu đi vào bầu khí quyển của hành tinh này. Ở khoảng cách 8 km, dù được bung, sau đó “cần trục bầu trời” (sky crane) bắt đầu thả chiếc xe tự hành rồi bay vọt ra xa tới một khoảng cách an toàn. Xe tự hành hạ độ cao, đáp xuống bề mặt sao Hỏa và chỉ trong vài giây sau cú “hạ cánh”, Curiosity đã gửi về trái đất những hình ảnh đầu tiên về bề mặt sao Hỏa.
Các chuyên gia điều khiển của dự án Curiosity đã vỡ òa trong niềm vui sướng khi nhận được tín hiệu từ một vệ tinh sao Hỏa xác nhận, tàu thăm dò tự hành đã vượt qua cú đổ bộ “một mất một còn” xuống bề mặt hành tinh đỏ. NASA mô tả thành công này là một trong những thành tích phức tạp nhất từng đạt được trong những chuyến bay vũ trụ tự động từ trước tới nay.
Sự kiện hạ cánh thành công của tàu Curiosity cũng đánh dấu sứ mạng sinh vật học vũ trụ đầu tiên trong vòng 40 năm qua của NASA kể từ các dự án thăm dò của tàu Viking vào thập niên 1970. “Đây là một bước đi khổng lồ trong chương trình thám hiểm hành tinh. Chưa một quốc gia nào làm được điều tương tự như thế trước đây. Một màn trình diễn không thể tin được”, ông John Holdren, cố vấn khoa học cấp cao của Tổng thống Mỹ Barack Obama, phát biểu.
Với chi phí lên đến 2,5 tỷ USD, Curiosity là dự án tàu thăm dò vũ trụ hiện đại và đắt tiền nhất của NASA. Khi phóng, con tàu có tổng trọng lượng 3.893 kg, trong đó riêng xe tự hành nặng 899 kg với kích thước tương đương một chiếc xe ô tô SUV (dài hơn 3 m, ngang 2,7 m và cao 2,1 m). Đây là tàu vũ trụ lớn nhất thế giới từ trước đến nay đổ bộ xuống sao Hỏa.
Curiosity hoạt động bằng pin hạt nhân và được trang bị những thiết bị hiện đại như camera, cánh tay robot, thiết bị dự báo thời tiết, và đặc biệt là máy bắn lazer cho phép bắn phá các khối đá từ khoảng cách xa 7 mét để tìm hiểu thành phần cấu tạo. Sứ mạng của nó là tìm kiếm các thành phần cơ bản có thể hỗ trợ cho sự sống, như các chất carbon, nitơ, phốtpho, sunphua và ôxy.
“Tam giác Bermuda của hệ Mặt Trời”
Mặc dù sao Hỏa được mệnh danh “tam giác Bermuda của hệ Mặt Trời”, con người vẫn không từ bỏ tình yêu đối với hành tinh này. Cho tới nay, hơn một nửa trong số gần 40 nỗ lực phóng tàu thăm dò từ xa, vệ tinh và tàu đổ bộ xuống sao Hỏa kết thúc thất bại. Mới đây nhất, tháng 1/2012, tàu thăm dò sao Hỏa, Phobos-Grunt của Nga đã rơi xuống Thái Bình Dương.
Một trong những nguyên nhân là bầu khí quyển của sao Hỏa. Nếu như một tàu không gian đáp xuống Trái Đất, lực hút thấp của Mặt Trăng khiến việc đáp xuống đơn giản như một cuộc diễn tập. Thêm nữa, khi bay xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất, khí quyển còn giúp làm giảm tốc độ, đủ để phương tiện đáp xuống an toàn bằng cánh hoặc dù.
Trong khi đó, lớp khí quyển mỏng của sao Hỏa là trở ngại lớn nhất đối với mọi tàu thăm dò. Với áp suất chỉ bằng 1/100 khí quyển Trái Đất, mật độ loãng của khí quyển sao Hỏa không đủ để làm giảm tốc độ lao xuống của tàu. Vì vậy, khi tiếp cận bầu khí quyển sao Hỏa ở tốc độ 21.240 km/giờ, để Curiosity có thể sống sót sau cuộc đổ bộ đầy khó khăn, tàu thăm dò này được bảo vệ bằng lớp vỏ tàu kiên cố với nhiều lớp tấm chắn nhiệt.
Theo kế hoạch, NASA sẽ cho xe tự hành Curiosity “dạo chơi” trong vài tuần để kiểm tra địa hình, trước khi bắt đầu 2 năm nghiên cứu.
T.H