Tăng độ bao phủ của bảo hiểm y tế

Những đổi mới, đột phá của dự thảo Luật Bảo hiểm y tế, việc quản lý giá thuốc và thị trường dược phẩm là những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề cập trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.



Tiến tới bảo hiểm toàn dân


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế lần này có nhiều sửa đổi tích cực. Đơn cử như quy định về việc thực hiện bảo hiểm là bắt buộc nhằm tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Bên cạnh đó, khuyến khích mua bảo hiểm theo hộ gia đình với hình thức một gia đình càng có nhiều người tham gia mua bảo hiểm thì mức phí đóng bảo hiểm càng giảm.

“Ngành y tế đã có nhiều đổi mới trong khám, chữa bệnh như rút ngắn thời gian chờ đợi, mở thêm nhiều phòng khám, giảm bớt thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người bệnh ở các khoa khám chữa bệnh; khuyến khích người tham gia bảo hiểm y tế nhiều hơn. Thực hiện Quyết định 1313 về cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian chờ đợi cho n gười bệnh, đến nay trung bình đã giảm ít nhất là 40 phút đối với khám bệnh, đặc biệt là khám ngoại trú. Bên cạnh đó, nếu trước đây khi thanh toán bảo hiểm phải qua 9 chữ ký thì bây giờ còn lại 6 chữ ký… Đặc biệt, Bộ Y tế đã có đường dây nóng để người dân có thể gọi trực tiếp phản ánh những phiền hà từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và Bộ Y tế”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến


“Mức hưởng bảo hiểm cũng có thay đổi. Đối với người nghèo, thân nhân của những người có công, trước đây phải đồng chi trả 5%, thì tiến tới sẽ không phải chi trả; đối tượng chính sách trước đây phải đồng chi trả 20% thì bây giờ không phải chi trả; đối tượng cận nghèo trước phải đồng chi trả 20%, nay giảm xuống 5%. Đặc biệt, đối với những hộ nghèo và người sống ở hải đảo, nơi đặc biệt khó khăn, sẽ mở thông từ tuyến xã lên đến tuyến tỉnh, trung ương. Có nghĩa là những đối tượng này nếu bệnh nặng có thể chuyển thẳng lên tuyến trung ương và được thanh toán hoàn toàn”, Bộ trưởng cho biết.


Cũng theo Bộ trưởng, trong quy định tại dự thảo lần này, kết dư của Quỹ khám chữa bệnh tại các địa phương sẽ được trích lại 20% để đầu tư, tăng chất lượng khám chữa bệnh; tăng độ bao phủ của bảo hiểm y tế, giúp nhiều người có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế và hưởng được nhiều chi trả.

Giảm tối đa giá thuốc


Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, khảo sát của đoàn liên ngành (Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban các vấn đề xã hội) đối với 36 mặt hàng thuốc chính thường dùng cho thấy, giá thuốc ở nước ta thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 - 2 lần; thấp hơn Thái Lan 2,5 - 3 lần. Bên cạnh đó, khảo sát theo phương pháp của tổ chức y tế thế giới với khoảng 3.000 mặt hàng thuốc của Viện Chiến lược chính sách cùng với các hiệp hội doanh nghiệp cũng cho thấy, những năm gần đây, giá thuốc sản xuất trong nước tăng thấp, thuốc biệt dược tăng trung bình.


Cũng theo Bộ trưởng, đối với mặt hàng thuốc cho bảo hiểm y tế, ngành y tế đã thực hiện theo những phương thức đấu thầu chặt chẽ để giảm tối đa giá thuốc. Đối với thuốc bán tại các quầy thuốc tự do, thì giá thuốc phụ thuộc vào quy luật thị trường, tuy nhiên liên Bộ (Bộ Y tế, Tài chính và Công Thương) cũng đã phối hợp xây dựng khung giá tối đa và tối thiểu, với mức lãi tối đa cho phép là khoảng 5 - 15%. Các nhà thuốc phải niêm yết công khai các giá thuốc, nơi nào bán quá giá quy định thì có thể bị xử lý.


Trọng Thủy

Cần bắt buộc bảo hiểm y tế toàn dân
Cần bắt buộc bảo hiểm y tế toàn dân

Tại phiên thảo luận sáng 22/5, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần áp dụng bắt buộc bảo hiểm y tế cho toàn dân để nâng cao sức khỏe cộng đồng và trách nhiệm chung của người dân đối với xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN