Tại phiên thảo luận sáng 22/5, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần áp dụng bắt buộc bảo hiểm y tế cho toàn dân để nâng cao sức khỏe cộng đồng và trách nhiệm chung của người dân đối với xã hội.
Bắt buộc bảo hiểm y tế
Sáng nay 22/5, tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Hòa Bình, cho biết, quy định bảo hiểm y tế bắt buộc là chính sách hoàn toàn đúng đắn của Nhà nước. Cần quy định chặt chẽ hơn để xử phạt các trường hợp trốn tránh đóng bảo hiểm y tế như: khi không tham gia bảo hiểm y tế phải thì tính đủ giá dịch vụ, không bao cấp giá dịch của Nhà nước.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng, Nam Định, cho biết, không áp dụng bảo hiểm y tế bắt buộc thì không bao giờ thành công trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng. Cần tuyên truyền để nhân dân hiểu trách nhiệm, quyền lợi, quan tâm hơn tới bảo hiểm y tế.
“Thu nhập người dân còn thấp, không ổn định, tuyến cơ sở chưa thuận tiện nên nhiều người dân không tham gia bảo hiểm, hoặc chỉ đóng bảo hiểm cho người già, người yếu. Vì vậy cần tuyên truyền để người dân tự nguyên tham gia bảo hiểm y tế, đóng góp lợi ích cho cộng đồng”, đại biểu Hằng cho biết thêm.
Đại biểu Nguyễn Trung Thu, Long An, cũng cho rằng, cần bắt buộc bảo hiểm y tế đối với mọi đối tượng. Phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 80% dân số có thẻ bảo hiểm y tế ( hiện nay 67% dân số có thẻ bảo hiểm y tế).
Theo đại biểu Thu, sau 21 năm thực hiện bảo hiểm y tế, người dân đã thấy được tác dụng của bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, người dân chưa tích cực tham gia vì chưa bắt buộc mà chỉ mua bảo hiểm cho người già, người người hay bị bệnh tật...
Do vậy, “cần bắt buộc và cần đơn giản hóa việc mua bảo hiểm y tế, cấp bảo hiểm y tế để người dân dễ dàng tiếp cận và được sử dụng dịch vụ bảo hiểm y tế”, ông Thu nói.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, cần nâng cao cơ sơ vật chất, đội ngũ bác sỹ ở địa phương để người dân tích cực hơn tham gia bảo hiểm y tế, không đi khám vượt tuyến.
Nghị trường Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Kết dư quỹ bảo hiểm
Theo tổng kết của các đại biểu Quốc hội, các tỉnh có kết dư quỹ bảo hiểm y tế là hầu hết là các tỉnh khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân là do người dân khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm y tế, thể hiện qua hệ số sử dụng thẻ của người dân tại địa phương này rất thấp. Hơn nữa, do các tỉnh này có trang thiết y tế còn bị hạn chế, đội ngũ bác sỹ còn yếu, kém. Do vậy, nhiều người dân đi khám vượt tuyến.
“Do vậy, quỹ kết dư quỹ bảo hiểm ở các địa phương này là rất lớn. Đề nghị sau khi quyết toán, địa phương có kết dư được giữ lại 50% để nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế”, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Hòa Bình nói.
Tương tự, đại biểu Huỳnh Văn Tính, Tiền Giang cho biết, tại vùng sâu, vùng xa, việc khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Mà điều tiết tiền bảo hiểm cho địa phương khác là không hợp lý.
Do vậy, đại Nguyễn Thị Thu Hằng, Nam Định đề nghị, cần quản lý chặt chẽ quy bảo hiểm y tế. Nếu quỹ có kết dư thì chuyển về Trung ương đề có hệ thống nhưng đối với vùng sâu, vùng xa cần có quy định hỗ trợ cụ để thể nâng cao chất lượng dịch vụ, trình độ bác sỹ, y tá để người dân được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn, không đi khám vượt tuyến, trái tuyến, gây quá tải tại Trung ương.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) cho rằng, cần hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, không có khả năng chi trả khám bệnh, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa.., tiền tàu xe đi khám đối với họ cũng đã quá lớn. Do vậy, mức chị trả 5% chi phí y tế cũng là lớn đối với nhóm này, cần cho họ được hưởng 100% bảo hiểm y tế.
Đại biểu Giàng Thị Bình, Lào Cai, bổ sung thêm người khuyết tật cần được hỗ trợ trong khám bảo hiểm y tế vì đây thuộc nhóm yếu thế, thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tóng Thị Phóng cho biết, 24 đại biểu đã phát biểu đóng góp vào dự thảo luật bảo hiểm y tế, về các vấn đề quản lý và sử lý quỹ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh bảo hiểm…. Chúng tôi sẽ tiếp thu, chỉnh lý các vấn đề các đại biểu đã nêu.
Hữu Vinh