Từ ngày 19-23/7/2011 tại Bali, Inđônêxia đã diễn ra một loạt các hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao (BTNG) gồm: Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Hội nghị BTNG Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 (AMM44), Hội nghị BTNG ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), các Hội nghị BTNG của ASEAN với Ôxtrâylia, Canađa, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Niu Dilân, Nga và Mỹ, Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF18). Dịp này cũng đã diễn ra Hội nghị BTNG Mê Công - Nhật Bản và BTNG các nước hạ nguồn Mê Công - Mỹ.
Các đại biểu chụp ảnh tại hội nghị. AFP/TTXVN |
Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu tham dự các hội nghị này. Với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” và tiếp tục phát huy các kết quả của Năm Chủ tịch ASEAN 2010, đoàn ta đã tham gia đóng góp tích cực vào các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực.
Các hội nghị lần này tập trung bàn về thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN; gia tăng liên kết và kết nối khu vực, làm sâu sắc hơn quan hệ của ASEAN với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như ứng phó hiệu quả với các thách thức đặt ra.
Tại các Hội nghị BTNG giữa ASEAN với các đối tác, các bộ trưởng đã bàn và thông qua nhiều kế hoạch, chương trình hợp tác nhằm tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác và khuyến khích các nước này tham gia tích cực vào hợp tác khu vực, hỗ trợ hiệu quả cho ASEAN xây dựng Cộng đồng, liên kết và thu hẹp khoảng cách phát triển hỗ trợ hợp tác phát triển tiểu vùng, nhất là Tiểu vùng Mê Công. Các hội nghị cũng thông qua các kế hoạch nhằm kỷ niệm quan hệ với nhiều đối tác như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Canađa…
Các bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác ASEAN+3 và EAS, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, tài chính, giáo dục, phòng chống thiên tai…, hướng tới xây dựng một cộng đồng tại Đông Á.
Về EAS, các bộ trưởng khẳng định EAS tiếp tục là diễn đàn của các nhà lãnh đạo bàn về các vấn đề chiến lược quan trọng của khu vực về chính trị, an ninh và hợp tác phát triển. Các bộ trưởng tiếp tục khẳng định xây dựng một cấu trúc khu vực dựa trên các khuôn khổ và cơ chế khu vực hiện có như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+…, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực.
Các hội nghị cũng đã bàn các biện pháp thúc đẩy hợp tác và nâng cao năng lực khu vực nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức như an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hàng hải… ASEAN tiếp tục tăng cường phối hợp và đóng góp vào các diễn đàn khu vực và quốc tế khác nhằm tạo tiếng nói thống nhất và trách nhiệm chung đối với các vấn đề này.
Các hội nghị cũng đã bàn về nhiều vấn đề khu vực cùng quan tâm, ủng hộ tiếp tục tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin và giải quyết hòa bình các tranh chấp; thực hiện hiệu quả các văn kiện cơ bản như Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), SEANWFZ, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Hiến chương ASEAN… cũng như phát huy vai trò các khuôn khổ, cơ chế khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF…, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực.
Về Biển Đông, các hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC; hoan nghênh việc hoàn tất Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Kết thúc các hội nghị, các bộ trưởng đã ra Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM44), Tuyên bố chung ASEAN - Nga kỷ niệm 15 năm lập quan hệ đối thoại, thông qua về nguyên tắc Kế hoạch hành động ASEAN - Nhật Bản 2011 - 2015, ra các Tuyên bố của Chủ tịch về kết quả của các hội nghị như ASEAN+3, EAS, ARF - 18 và ASEAN với các đối tác...
Tại các hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã tham gia và có nhiều đóng góp vào các chủ đề trọng tâm, cũng như các vấn đề thuộc quan tâm chung của ASEAN và khu vực. Với tư cách nước Điều phối quan hệ, Phó Thủ tướng cũng đồng chủ trì Hội nghị BTNG ASEAN - Trung Quốc.
Nhân dịp tham dự các hội nghị này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã dự Hội nghị BTNG Mê Công -Nhật Bản, Hội nghị BTNG các nước Hạ nguồn Mê Công - Mỹ và Đối thoại các nước Hạ nguồn Mê Công với Ôxtrâylia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ có các cuộc tiếp xúc song phương với BTNG của nhiều nước, trong đó có các nước Nga, Trung Quốc, Philíppin, Ôxtrâylia, Mỹ, Nhật Bản… để bàn các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và trao đổi về các trọng tâm của hội nghị.
TTXVN