Hiện tại, bác sĩ Đoàn thị Tuần, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đang hợp tác cùng một số bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu, sưu tầm các bài thuốc dân gian, mẹo chữa bệnh của các dân tộc ở vùng cực Bắc Tây Nguyên.Theo đó, bác sĩ Tuần đã sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép được 53 bài thuốc dân gian của 40 người dân cống hiến. Đây là những bài thuốc chữa các bệnh thông thường và được chữa theo cách truyền thống của cộng đồng người dân tộc: Kinh, Giẻ Triêng, Ba Na, Mường, Thái, Gia Rai.
Cây kiến cò. Ảnh: hocvienquany.vn |
Trong đó, một số bài thuốc có giá trị trong nghiên cứu y học như: bài thuốc ngừa thai cho phụ nữ bằng lá cây gừng núi và bài thuốc giải độc lá ngón của cộng đồng người dân tộc Giẻ Triêng ở xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei; chữa bệnh hắc lào bằng cây kiến cò và chữa đau khớp bằng cây thuốc của dân tộc Mường ở xã Đăk Long, huyện Đăk Glei; chữa bệnh đau lưng bằng quả chuối hột rừng của dân tộc Gia Rai...
Bên cạnh đó, nhiều người dân còn cống hiến các bài thuốc hay có công dụng các chữa bệnh về tiêu hóa, khớp xương, huyết áp, mẩn ngứa, dị ứng và các bài thuốc bổ.
Bác sĩ Tuần cho biết, hầu hết các bài thuốc được sưu tầm đều được người dân tự nguyện cống hiến cho ngành y. Các bài thuốc này đều khá đơn giản và dễ sử dụng cho gia đình.
Các vị thuốc đều có nguồn gốc từ thực vật, chúng là những loại cây cỏ quen thuộc, là các cây thuốc thông dụng hoặc là những cây rau, cây ăn quả và chỉ có vài vị là thuốc bắc nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với những bài thuốc lạ, ngành y tế Kon Tum sẽ phối hợp cùng với cơ quan nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn.
Sỹ Thắng