Sức “đề kháng” của doanh nghiệp vẫn yếu

Kết thúc quý I/2013 đã lâu, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết vẫn chần chừ nộp báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2012.

Hiện có gần 70/705 DN vẫn nợ BCTC hợp nhất kiểm toán. Phần lớn các BCTC cho thấy, rất nhiều DN kinh doanh khó khăn và bị lỗ nặng, có DN thua lỗ đến cả ngàn tỉ đồng. Theo đó, liên tiếp tại hai sàn giao dịch chứng khoán đã có nhiều DN bị cảnh cáo, ngừng giao dịch hoặc bị hủy niêm yết trong thời gian gần đây. Điều này phản ánh “sức khỏe” của các DN niêm yết đang rất yếu.

Hàng loạt DN niêm yết lỗ khủng


Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, BCTC của các DN cho thấy, đa phần các DN bị lỗ từ vài tỷ, chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng, thậm chí có DN bị lỗ tới hơn nghìn tỷ đồng trong năm 2012. Đây là hậu quả của sự phát triển nóng, khi nhà nhà lên sàn mà không lường được hậu quả. Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế cũng đã kéo sức “đề kháng” của các DN đi xuống.

Giao dịch chứng khoán tại sàn Maybank KIM ENG (TP Hồ Chí Minh).
Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN


Thực tế cho thấy, tính đến đầu tháng 4/2013 đã có khoảng 50 DN niêm yết trên cả hai sàn bị “tuýt còi”, buộc bị kiểm soát, ngừng giao dịch hoặc bị hủy niêm yết cổ phiếu. Nguyên nhân phần lớn các DN này đều thua lỗ từ hai đến ba năm liên tiếp, mức lỗ vượt quá vốn điều lệ thực góp.


Trong số các DN niêm yết lập kỷ lục lỗ nặng trong năm 2012, nổi bật nhất là Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã: PVX) với thông báo lỗ tới 1.338 tỷ đồng. Điều đáng nói là năm 2011, công ty này vẫn báo cáo lãi. Tiếp đến,Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã: KBC), thua lỗ trên 435,5 tỷ đồng do thu hút vốn FDI giảm mạnh... Hay Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sông Đà (mã: SJS) lỗ trên 380 tỷ đồng. Theo đó, ngày 11/4 vừa qua, SJS bị ngừng giao dịch do lỗ 2 năm liên tiếp. Sự việc của SJS khiến giới đầu tư chứng khoán phải chạnh lòng. Bởi đây là cổ phiếu thuộc “họ Sông Đà” một thời lừng lẫy trên thị trường chứng khoán Việt Nam, từng giúp khá nhiều nhà đầu tư đổi đời vào thời đỉnh cao của thị trường chứng khoán năm 2007. Lúc đó, giá cổ phiếu SJS lên đến 728.000 đồng/cổ phiếu.


Đáng chú ý, không chỉ bị thua lỗ, nhiều DN còn chây ỳ, chậm nộp BCTC như Công ty CP Thép Nam Kim (mã: NKG), Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (mã: SGT)... đã khiến Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM phải cảnh báo các DN này vì thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin định kỳ và bất thường.


Với các ngân hàng niêm yết trên sàn, tuy không thua lỗ như các DN khác nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do lợi nhuận năm 2012 thấp, giảm từ 50 - 70% so với năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu là do nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng gia tăng… Theo dự báo, mức cổ tức mà các cổ đông được hưởng sẽ rất “bèo”.

Tiếp tục kế hoạch lỗ


Nhiều chuyên gia tài chính dự báo, trong thời gian tới sẽ có nhiều DN niêm yết khác gặp tình cảnh như trên. Theo đó, mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, nhiều DN tiếp tục lên kế hoạch... báo lỗ.


Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí (mã: PXA), dù vừa bị đưa vào diện cảnh báo do năm 2012 lỗ trên 62 tỷ đồng nhưng lãnh đạo PXA đã trình kế hoạch trong kỳ ĐHCĐ là sẽ tiếp tục lỗ trên 46 tỷ đồng trong năm 2013. Giá PXA hiện chỉ còn 2.000 đồng/cổ phiếu.


Tương tự, Công ty CP Container phía Nam (mã: VSG) đã trình kế hoạch năm 2013 sẽ lỗ tiếp 60 tỷ đồng. Trước đó, năm 2012, công ty này lỗ gần 59 tỷ đồng và lũy kế 3 năm qua VSG lỗ 140,7 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 110 tỷ đồng. Hiện giá cổ phiếu VSG chỉ 8.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 3/5 tới, cổ phiếu này cùng với 2 cổ phiếu khác là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Điện Mêca Vneco (mã: VES) và Công ty CP Thực phẩm Quốc tế (mã: IFS) sẽ bị hủy niêm yết trên sàn HOSE.


Trước tình hình trên, TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khuyến cáo: Nhà đầu tư nên đặt trọng tâm vào kế hoạch tiết giảm chi phí, xử lý nợ và chuyển hướng kinh doanh chứ không nên chỉ chú ý vào cổ tức, lợi nhuận trong mùa ĐHCĐ năm nay. Bởi thực tế, nhiều DN vẫn còn bị “lún” sâu vào gánh nặng nợ nần và định hướng kinh doanh không rõ ràng.


Có thể thấy, trong gần 800 cổ phiếu đang niêm yết trên cả 2 sàn, thì tỉ lệ cổ phiếu nằm dưới mệnh giá (10.000 đồng) đã chiếm hơn một nửa. Riêng sàn Hà Nội có 400 mã thì có trên 260 mã nằm dưới mệnh giá. Trong số đó có rất nhiều mã chỉ 1.000 - 2.000 đồng/cổ phiếu. Đáng nói hơn là trong số này rất nhiều cổ phiếu không có giao dịch trong nhiều phiên. Chỉ đến khi sắp bị giải trình, nhắc nhở thì mới có giao dịch với khối lượng kiểu… cho có lệ.


Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia khác cho rằng, với mức lãi suất có thể giảm thêm, cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong thời gian tới DN tiếp cận được vốn rẻ; khi đó kết quả sản xuất; kinh doanh của DN có cơ hội được cải thiện. Và điều này được hy vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho sự tăng điểm của thị trường chứng khoán.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN