Hơn hai năm tạm yên sau khi nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra lên cầm quyền, chính trường Thái Lan những tháng cuối năm 2013 lại rung chuyển bởi làn sóng xuống đường chống chính phủ với sự tham gia của hàng trăm nghìn người do phe đối lập phát động, đẩy đất nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc.
Người biểu tình Thái Lan tụ tập tại nơi đăng ký ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử sắp tới. Ảnh: AFP/TTXVN) |
Suốt 7 năm qua kể từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra - anh trai của thủ tướng đương nhiệm, bị lật đổ, chính trường Thái Lan chưa có lúc nào thực sự lặng sóng. Vai trò cũng như ảnh hưởng của ông Thaksin vẫn tiếp tục là tâm điểm gây ra nhiều bất ổn đối với Thái Lan. Những người biểu tình hiện nay có chung sự thù ghét ông mà nguyên nhân trực tiếp làm bùng phát cuộc chiến bất phân thắng bại hiện nay ở Bangkok được cho là liên quan đến chính sách hòa giải từng góp phần đưa bà Yingluck vào chiếc ghế thủ tướng cách đây hơn hai năm.
Thủ tướng Yingluck có lẽ đã thất bại trong chính sách hòa giải dân tộc khi bà không đưa ra lời xin lỗi như đã cam kết trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị thủ tướng. Hơn hai năm qua, chính phủ của bà đã không truy tố những người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng năm 2010 khiến gần 100 người thiệt mạng. Hơn nữa, việc chính phủ tiến hành hòa giải bằng cách đề xuất dự luật ân xá bị đánh giá là "mở đường để ông Thaksin trở về", đã kích hoạt sự chống đối, chủ yếu từ tầng lớp trí thức.
Để dẹp yên sự bất ổn, Thủ tướng Yingluck đã chọn giải pháp "lấy nhu thắng cương", không ngăn cản người biểu tình, đồng thời giải tán Hạ viện và đề xuất tổng tuyển cử trước thời hạn với cam kết chính quyền mới sẽ tiếp tục cải cách. Tuy vậy, phe đối lập vẫn kiên quyết tiếp tục biểu tình và phản đối bầu cử, đòi phải cải cách trước rồi mới bầu cử sau. Họ đòi bà Yingluck chuyển giao quyền lực cho một "hội đồng nhân dân" còn chưa rõ hình thù do họ có ý định lập ra. Xem ra "liều thuốc” mà Thủ tướng tạm quyền Yingluck đưa ra vẫn không thể chữa trị được “căn bệnh” khủng hoảng hiện nay ở vương quốc Đông Nam Á này.
Ở một quốc gia dân chủ, giải pháp mà bà Yingluck đưa ra là hợp lý, bởi vì khi các đảng phái chính trị mâu thuẫn với nhau thì phải để cho người dân phân xử qua lá phiếu. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay là xã hội Thái Lan hiện bị chia rẽ quá trầm trọng, giữa một bên là những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và bên kia là những người không đội trời chung với ông. Thế nên, ngay cả khi Thủ tướng Yingluck có từ chức thì cũng chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng tình hình sẽ dần đi vào ổn định và triển vọng chính trường Thái Lan chưa thể sáng sủa nếu các phe phái tiếp tục tranh giành quyền lực.
Giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm chỉ là những giải pháp tình thế mà Thủ tướng Yingluck lựa chọn vào thời điểm "nước sôi lửa bỏng" với hy vọng nhu có thể thắng cương. Tuy nhiên, giải pháp này lại như "đổ thêm dầu vào lửa", khiến phe đối lập càng thêm quyết tâm lật đổ chính phủ, đẩy tình hình đến chỗ khó kiểm soát.
Hiện phe đối lập không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ dừng bước. Mục tiêu của họ là lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck, nhưng bản thân phe đối lập cũng không thể định đoạt được tình hình trong tương lai khi mâu thuẫn về lợi ích chưa được tháo gỡ. Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Thái Lan không hứa hẹn sẽ được giải quyết sớm vì những người biểu tình chống chính phủ cố duy trì áp lực với hy vọng tình hình sẽ bị đẩy lên cao đến mức buộc quân đội phải can thiệp.
Trong bối cảnh đó, con đường duy nhất giúp khôi phục ổn định tại Thái Lan là tìm sự đồng thuận thông qua đối thoại - hòa giải trên cơ sở dân chủ và tôn trọng luật pháp. Nhưng để có được sự hàn gắn đó sẽ là một hành trình rất dài và đầy gian nan.
Khánh Linh