Siết chặt nợ xấu, dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu ngân hàng

Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán chứng kiến sự “bùng nổ” của cổ phiếu ngân hàng, giúp cho chỉ số VN-Index liên tục tăng điểm.

Cổ phiếu ngân hàng tăng “nóng”

Trước đó 2 ngày, phiên giao dịch của nhóm cổ phiếu diễn ra hết sức sôi động với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng. Các cổ phiếu VCB, BID, CTG, STB, EIB, ACB, MBB… đồng loạt bứt phá đã giúp chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 750 điểm, mức cao nhất trong vòng 9 năm qua.

Nhiều tín hiệu tích cực từ chính sách giúp cổ phiếu ngân hàng tăng điểm trong thời gian gần đây. Ảnh: CTV

Có thể thấy, trong khoảng vài tháng gần đây, đa số các cổ phiếu ngân hàng đều đã tăng mạnh, từ 20 -100%. Trong đó, BID của ngân hàng BIDV và VCB của ngân hàng Vietcombank là hai cổ phiếu tăng mạnh nhất nhờ được khối ngoại mua ròng rất mạnh. Còn cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội tăng gần 50% trong vòng hơn 2 tháng, NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân đã tăng tổng cộng gần 100% trong vòng 9 phiên vừa qua; STB của Sacombank tăng 15% trong vòng 1 tháng; MBB của Ngân hàng Quân đội tăng 45% trong vòng 3 tháng; ACB tăng 55% trong vòng 6 tháng; VIB cũng tăng khoảng 20% trong một khoảng thời gian ngắn…


Một điểm đáng lưu ý là dòng tiền đổ vào rất mạnh mỗi khi các cổ phiếu ngân hàng chùng lại do áp lực chốt lời. Cụ thể, trong 2 phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu Sacombank chứng kiến khoảng 20 triệu cổ phần được chuyển nhượng thông qua khớp lệnh, trị giá hàng trăm tỷ đồng, so với một vài triệu cổ phần được chuyển nhượng trong mỗi phiên trước đó.


Trong phiên 7/6, Ngân hàng Á Châu cũng chứng kiến gần 10 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá khoảng 260 tỷ đồng, gấp khoảng gần 10 lần so với các phiên trước đó. MBB cũng chứng kiến gần 6 triệu cổ phần được giao dịch, trị giá gần 120 tỷ đồng, gấp khoảng 5-6 lần trước đó.


Nhiều tín hiệu tích cực


Lý giải lý do cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế Luật sư – Tiến sĩ (LS-TS) Bùi Quang Tín cho biết, nguyên nhân một phần là hoạt động của khối ngoại đang dần sôi động hơn, góp phần tạo nên diễn biến tích cực toàn thị trường.


Ngoài ra, thị trường chứng khoán cũng đang nhận khá nhiều thông tin tích cực. So với 10 năm trước, quy mô thị trường đã tăng lên rất nhiều, kéo số lượng cổ phiếu tăng gấp 10 lần, theo đó giá trị vốn hóa cũng có thể tăng gấp cả trăm lần. Điều này đồng nghĩa, hàng hóa của thị trường chứng khoán đang có rất nhiều cổ phiếu tốt, quy mô lớn, hàng loạt các cổ phiếu nhỏ bé làm ăn không minh bạch, thua lỗ đã bị loại ra khỏi thị trường.


Mặt khác, theo chuyên gia Bùi Quang Tín, một tín hiệu tích cực nữa là Quốc hội đang xem xét Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu với rất nhiều đại biểu công khai bày tỏ quan điểm điểm ủng hộ. Nghị quyết này sẽ giúp ngân hàng có nhiều lựa chọn hơn đối với tài sản bảo đảm như kiểm soát, bán tài sản đó theo giá thị trường (có thể thấp hơn giá trị sổ sách) và có thể tiến hành tố tụng pháp lý với thủ tục rút gọn..


Thêm nữa. việc chuyển giao dự án bất động sản như một phần của việc bán tài sản thế chấp trong việc giải quyết nợ xấu cũng sẽ được thực hiện đơn giản và nhanh chóng hơn. Nghị quyết cũng cho phép VAMC được mua nợ xấu ngoại bảng và bán nợ xấu đã được hoán đổi thành trái phiếu VAMC theo giá thị trường. Việc giải quyết các tranh chấp tài tại tòa án và thi hành án cũng sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng hơn.


“Như vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng có cơ hội thoát ra khỏi những khó khăn đeo bám trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có thêm “cửa” để xử lý nợ xấu. Cụ thể, các ngân hàng có thể sẽ tìm tới một phương thức giải quyết tranh chấp tín dụng, xử lý nợ xấu nhanh hơn nhiều, tính bằng ngày tháng thay vì hàng năm trời ròng rã ở tòa án như trước đây”, chuyên gia Tín chia sẻ.


Bên cạnh đó, với các chính sách mới cùng với những diễn biến tự xử lý nợ xấu khá ấn tượng, trong thời gian tới nhiều khả năng các ngân hàng sẽ có những chuyển biến tích cực. Đây là những thông tin rất tốt đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Theo đó, vốn tín dụng đẩy vào nền kinh tế sẽ nhiều hơn và thị trường chứng khoán có thể chinh phục những đỉnh cao mới.


Tuy nhiên, chuyên gia Bùi Quang Tín cũng khuyến cáo, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng, không nên đổ tiền vào hết “một rổ”. Bởi thị trường luôn có lúc lên lúc xuống và hiện nay giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng trên 30%. Ngoài ra, dù có nhiều chính sách được ban hành giúp cho ngành ngân hàng tốt hơn trước, nhưng mọi thứ vẫn còn trong thời gian hoàn thiện. Cho nên, một khi các chính sách đó chưa thể đi nhanh vào cuộc sống như sự chờ đợi thì giá cổ phiếu ngân hàng sẽ rớt nhiều.


Hải Yên/Báo Tin Tức
Thống đốc Ngân hàng nhà nước thông tin con số thực tế về nợ xấu
Thống đốc Ngân hàng nhà nước thông tin con số thực tế về nợ xấu

Giải trình trước Quốc hội sáng nay 7/6, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tháng 9/2012 khi báo cáo Quốc hội thì tỷ lệ nợ xấu ước tính 17,21% tổng dự nợ và cho vay của nền kinh tế. Nếu đánh giá toàn diện thực chất thì con số nợ xấu tại thời điểm đó có thể cao hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN