Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng mỗi nơi mỗi khác và dường như không có mức trần. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra dự thảo thông tư về CVTD nhằm đưa hoạt động này vào quy củ.
Ưu tiên quyền lợi khách hàng
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2012 - 2015, CVTD ở TP Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh, bình quân 20%/năm, trong khi tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2012 - 2013 khoảng 8 - 9%. Giai đoạn 2014 - 2015, CVTD chiếm 6 - 8% tổng dư nợ của cả thành phố, nhưng đến cuối tháng 10/2016, đã chiếm 14,7%, tăng gấp đôi so với 2 năm trước.
Siết chặt cho vay tiêu dùng trong thời gian tới sẽ giúp ổn định thị trường cũng như bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. |
Những con số này cho thấy, CVTD ngày càng phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, lãi suất các khoản vay tiêu dùng của các CTTC hiện đang rất cao, từ 25 - 40%/năm, gây khó khăn cho người vay khi trả nợ cũng như khó kiểm soát hoạt động CVTD. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017), tại khoản 1 Điều 468 quy định “Lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Các chuyên gia nhận định, với tình hình thực tế hiện nay thì quy định lãi suất trần 20%/năm đã không còn phù hợp. Chính vì vậy, việc siết chặt CVTD được các chuyên gia cho rằng rất cần thiết và mang nhiều chiều hướng tích cực. Trong đó, có những thay đổi đáng chú ý như cho phép các bên tự thỏa thuận lãi suất vay theo yêu cầu phải tính theo tỷ lệ %/năm, hạn mức tối đa vay là 10 triệu đồng đối với một khách hàng, việc tính lãi suất đối với các khoản quá hạn gốc cũng như quá hạn lãi...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, yêu cầu quy định pháp lý đối với loại hình CVTD (mà chủ yếu là NHTM và CTTC cung cấp) là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều quan trọng là NHNN cần có những quy định, chế tài nghiêm khắc và cụ thể để buộc các CTTC phải giải thích cặn kẽ những điều khoản trong hợp đồng, lãi suất vay cho khách hàng chứ không dùng biện pháp hành chính là áp trần lãi suất.
Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, đây là lần thứ 2 NHNN tiến hành lấy ý kiến bổ sung dự thảo. So với lần 1, lần này dự thảo về CVTD có nhiều nội dung chặt chẽ hơn. Những quy định mới sẽ đem lại sự phát triển ổn định hơn cho ngành tài chính tiêu dùng. Đồng thời, đưa CVTD vào quy củ sẽ giúp cho người dân tiếp cận nguồn vốn chính thống từ CTTC hơn là tín dụng đen thời gian vừa qua; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho quan hệ giữa CTTC và khách hàng.
Bà Phạm Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Pháp chế và Tuân thủ FE Credit cũng cho rằng, dự thảo CVTD mới này hoàn toàn phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo dù tốt nhưng vẫn đang thiếu một số quy định linh động hơn vì nó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của CTTC cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Chưa đồng nhất cách tính lãi
Thực tế, dự thảo đã đưa ra một số quy định chi tiết liên quan đến cách tính lãi suất vay theo hướng bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Theo đó, NHNN cũng kỳ vọng rằng, với những quy định này, CTTC sẽ chủ động giảm thiểu rủi ro tín dụng, xây dựng mô hình cho vay đạt chuẩn hơn, tiết giảm chi phí hơn… tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Thế nhưng, có một điểm mà dự thảo chưa nhìn nhận ra đó là chi phí vốn của CTTC đang có sự khác biệt, thậm chí khác xa so với NHTM. TS Bùi Quang Tín cho rằng, chi phí huy động vốn hiện nay của CTTC rất cao trong khi đối tượng khách hàng của CTTC thu nhập trung bình thấp, không ổn định, không tài sản thế chấp, kiến thức tài chính thấp, khó tiếp cận vốn của ngân hàng, khoản vay nhỏ lẻ… nên mọi chi phí rủi ro sẽ cao hơn NHTM. Điều đó lý giải vì sao có chuyện bù đắp rủi ro và chi phí hợp đồng lớn buộc CTTC phải cho vay lãi suất cao hơn.
Bà Vương Thủy Tiên, thành viên Hội đồng thành viên Home Credit Vietnam cũng thừa nhận vấn đề trên và cho biết, dù rất ủng hộ nhưng dự thảo còn khá nhiều điểm chưa sát với thực tiễn. Đơn cử, trong dự thảo của NHNN yêu cầu các CTTC tính lãi trên số tiền nợ thực tế còn lại, tránh việc tính lãi trên tổng tiền vay ban đầu. Tuy nhiên, điều này có thể không phù hợp do thông lệ quốc tế cho thấy việc tính lãi trên dư nợ gốc ban đầu là một loại sản phẩm vẫn có thị phần.
Với việc quy định cho vay tiền mặt dưới 10 triệu đồng, bà Phạm Hải Vân cho rằng điều chỉnh này quá thấp, bởi hiện nay các CTTC có 2 dòng sản phẩm: trực tiếp giải ngân và linh hoạt (nhắm đến người dân vùng sâu, vùng xa không có tài khoản NH hoặc đối tác không có hóa đơn chứng từ rõ ràng, theo đó người dân được chủ động việc mua sắm). Do đó, mức 10 triệu đồng không phù hợp mức giá chung, nhất là khi mặt bằng giá nhiều sản phẩm tiêu dùng đã tăng cao.
TS Bùi Quang Tín nhận định, hiện nay luật đang nghiêng về bảo vệ người đi vay chứ không phải người cho vay là TCTD. “Riêng phần quy định phạt trong dự thảo, đúng là chưa phù hợp với các sản phẩm lãi suất 0% mà các CTTC triển khai. Vì thế, cần tính mức phạt theo tỷ lệ % trên nợ gốc chậm thanh toán (nợ gốc quá hạn ở thời điểm hiện tại) sẽ phù hợp hơn”, TS Tín nói.