Quyền lợi người lao động được bảo vệ tốt hơn

Dự án Luật Việc làm được trình Quốc hội trong phiên họp hôm qua (5/6). Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã trao đổi với báo giới xung quanh một số nội dung chính của dự thảo luật này.

 

Thưa bà, Luật Việc làm được điều chỉnh lần này có ý nghĩa như thế nào với người lao động?


Thứ nhất là chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Khi người lao động đang đi làm, có thu nhập ổn định được chủ DN trả lương thì không vấn đề gì. Còn nếu bị thất nghiệp thì với sự điều chỉnh của luật này, họ sẽ được hưởng một khoản trợ cấp trong thời gian nhất định để có thể được đào tạo nghề, đào lạo lại nghề hoặc được hỗ trợ tư vấn để quay lại thị trường lao động.


Thứ hai là chính sách nâng cao kỹ năng nghề. Khi người lao động đang làm việc bình thường nhưng có nhu cầu được xác nhận tình trạng tay nghề hoặc thiết lập một kỹ năng nghề cao hơn thì họ có thể đề xuất thi hoặc sát hạch để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.


Tôi cho rằng, một chính sách khác nữa tác động tới lực lượng lao động là thông tin dự báo về thị trường lao động. Hiện nay, một người lao động khó có thể làm việc suốt đời trong một DN hay một công việc cụ thể, kể cả trong khu vực công. Vì vậy, người lao động có thể dựa vào thông tin dự báo thị trường lao động hàng tháng, hàng tuần để quyết định xem có nên chuyển dịch công việc hay không?

Các chính sách còn lại đều tác động đến khu vực phi chính thức với các loại lao động: tự làm nhưng có vài nhân công đến làm việc cùng như tiệm uốn tóc, sửa xe…; tự làm và việc làm đó tạo ra thu nhập cho chính họ; lao động không trả lương, đặc biệt trong các hộ gia đình (ví dụ như nông nghiệp)… Theo tôi, việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động.

 

Luật này sẽ hướng đến đối tượng lao động nào là chủ yếu? Liệu có những nội dung trùng lặp với Bộ luật Lao động không, thưa bà?


Luật Việc làm điều chỉnh toàn bộ lực lượng lao động đang làm việc tại Việt Nam. Các chính sách của Luật này hướng nhiều về khu vực phi chính thức. Khu vực chính thức đã được điều chỉnh trong Bộ luật Lao động ở cả hai góc độ là tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động. Hiện tại, 15 triệu lao động ở khu vực chính thức đang vận hành theo quy định của Bộ luật Lao động, trong đó quy định giờ làm việc, giờ làm thêm, giờ nghỉ ngơi, mối quan hệ giữa người lao động và chủ DN…

 

Có ý kiến cho rằng, cần phải có chương trình đào tạo văn hóa cho người lao động. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?


Chúng ta đang bắt đầu vận hành nhanh hơn quá trình phát triển nền kinh tế thị trường; trong đó, thị trường lao động là yếu tố quan trọng nên việc nâng cao chất lượng cho người lao động về tay nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là rất quan trọng. Tôi cho rằng, chúng ta đang hướng tới mục tiêu việc làm bền vững, người lao động phải có tay nghề, có thu nhập thỏa đáng, môi trường làm việc an toàn. Những yếu tố này sẽ gắn với đạo đức nghề nghiệp, tác phong của người lao động.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, không nên chuyển bảo hiểm thất nghiệp sang bảo hiểm việc làm, mà nên cải cách những điều khoản không phù hợp của bảo biểm thất nghiệp ngay trong chính bảo hiểm xã hội. Bà có đồng tình với ý kiến này?


Hiện rất ít nước trên thế giới thực hiện chính sách bảo hiểm việc làm vì bảo hiểm việc làm là bảo hiểm cho cả doanh nghiệp và người lao động. Như vậy, chính sách này chỉ có hiệu quả ở những đất nước mà tỷ lệ lao động trong quan hệ lao động ở mức độ cao, khoảng 80- 90%; tức là người ta phải đóng góp rất lớn vào quỹ bảo hiểm và đất nước đó phải là đất nước phát triển. Ở nước ta, tỷ lệ lao động trong quan hệ lao động mới khoảng trên dưới 30% và nước ta là nước đang phát triển. Do vậy, việc cung cấp nguồn lực để hỗ trợ và điều hành quỹ bảo hiểm việc làm là không có khả năng.


Tôi đề nghị, chúng ta vẫn nên giữ nguyên chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhưng bổ sung thêm chính sách mới là hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn để các doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động.


Xin trân trọng cảm ơn bà!


Minh Phương - Phương Liên (ghi)

Tăng cường trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát thi hành luật
Tăng cường trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát thi hành luật

Ngày 5/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN