Được xây dựng với số tiền hàng tỷ đồng từ vốn di dân tái định cư thủy điện Sơn La, nhưng hiện nay ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, chỉ có chợ Trung Tâm là hoạt động cầm chừng, còn chợ Phiêng Nèn và chợ Bệnh Viện vẫn không có người họp chợ, trong khi các hạng mục của 2 công trình này đang ngày một xuống cấp.
Chợ Phiêng Nèn được đầu tư xây dựng hoành tráng nhưng không có người họp. |
Chợ Trung Tâm huyện Quỳnh Nhai có diện tích gần 3.000 m2, gồm 2 tầng, có hệ thống cơ sở vật chất tương đối hiện đại, kinh phí xây dựng gần 12 tỷ đồng từ nguồn vốn di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Cuối năm 2011, chợ chính thức được đưa vào sử dụng để phục vụ nhân dân vùng tái định cư, song chợ cứ vắng dần các hộ kinh doanh. Theo quan sát của phóng viên, hiện tại tầng 1 của chợ chỉ có khoảng hơn 10 hộ đăng ký kinh doanh, còn tầng 2 không có ai buôn bán, các ki ốt đều khóa cửa và đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Trong khi đó, ngoài đường phía trước cổng chợ, người dân họp chợ tràn lan, gây mất trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Chị Lò Thị Hà, một người bán hàng ở chợ ngoài đường cho biết, giá thuê mặt bằng ở trong chợ khá cao, chỉ có những hộ nào kinh doanh mặt hàng có giá trị thì mới vào thuê, chứ bán vài mớ rau như chị thì không có lãi. Dù biết là chính quyền không cho phép buôn bán ngoài này, nhưng vì cuộc sống, chị cũng không còn cách nào khác.
Người dân mang nông sản vào chợ để phơi. |
Cách chợ Trung Tâm khoảng 1 km, chợ Phiêng Nèn (xã Mường Giàng) được thiết kế đồng bộ với hệ thống ki ốt, bãi để xe, bãi rác thải, khu vệ sinh và tường rào kiên cố bao quanh, tổng kinh phí xây dựng hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao công trình này lại chưa được bàn giao. Từ năm 2011 đến nay, công trình bị bỏ hoang và xuống cấp.
Ông La Văn Nhàn, ở bản Phiêng Nèn 3, xã Mường Giàng, cho biết: “Không hiểu lý do gì mà từ tháng 7/2011 đến nay, chợ vẫn chưa được bàn giao, không đưa vào sử dụng. Hiện chợ đang xuống cấp trầm trọng, khu vực nền nhà đã bắt đầu có dấu hiệu sụt lún, nứt nẻ; cánh cửa sắt, thép của các ki ốt hoen gỉ; khu vực nhà vệ sinh, đường xung quanh chợ cỏ cây mọc um tùm; hệ thống tường rào bằng sắt xung quanh chợ bị trẻ con bẻ đi bán sắt vụn”.
Tương tự như chợ Phiêng Nèn, chợ Bệnh Viện được đầu tư xây dựng từ năm 2010, với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, gồm 6 nhà lán, 1 nhà ki ốt và các hạng mục phụ trợ khác khá tươm tất, lại nằm sát mặt đường khu trung tâm huyện Quỳnh Nhai, nhưng từ khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2011, chỉ họp duy nhất có một lần và bị bỏ hoang đến nay.
Theo ông Phạm Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH & Đầu tư Tuấn Việt, đơn vị quản lý 3 khu chợ trên, nguyên nhân các chợ hoạt động không hiệu quả là do dân số trên địa bàn huyện còn thưa thớt, mặt khác các xã đều có chợ phiên, nên nhu cầu vào các khu chợ mới để kinh doanh buôn bán là không nhiều.
Để khai thác hiệu quả các dự án chợ được Nhà nước đầu tư, UBND huyện Quỳnh Nhai đã cho tổ chức đấu thầu, nhận khoán để quản lý, khai thác vận hành đối với 3 chợ. Mức khoán thu ban đầu để nộp ngân sách 1 năm đối với 3 chợ là 120 triệu đồng/năm, nhưng sau hơn 1 năm khai thác, vận hành, nhận thấy mức khoán này quá cao, UBND huyện đã điều chỉnh xuống còn 57 triệu đồng/3 chợ/1 năm. Mức khoán này vừa đảm bảo khai thác quản lý vận hành được chợ, vừa để giúp doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, để tạo điều kiện cho tiểu thương vào kinh doanh buôn bán, huyện Quỳnh Nhai cũng đã đưa ra nhiều chế độ ưu đãi như: Miễn tiền thu phí chợ trong khoảng thời gian từ 1 - 2 năm, và nhiều ưu đãi khác, song vẫn không có tiểu thương nào đăng ký kinh doanh.
Trao đổi về vấn để này, ông Nguyễn Hoài Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Về lâu dài, huyện sẽ tiến hành kêu gọi các doanh nghiệp vào kinh doanh trong chợ với nhiều ưu đãi, nếu thời gian tới nhu cầu sản xuất kinh doanh của chợ không đảm bảo, huyện sẽ đề xuất kiến nghị với tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đối với hai chợ Phiêng Nèn và chợ Bệnh Viện”.
Bài và ảnh: Công Luật