Ô nhiễm môi trường gia tăng vì hóa chất bảo vệ thực vật

Hiện cả nước phát hiện trên 1.153 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn thiếu kinh phí và công nghệ xử lý triệt để những điểm ô nhiễm nguy hại này.

Phát hiện nhiều điểm ô nhiễm mới


Theo điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tại tỉnh Hà Tĩnh có tới 160 điểm ô nhiễm do tồn dư hóa chất BVTV. Các loại thuốc tồn lưu hóa chất BVTV bao gồm rất nhiều chủng loại và ở nhiều dạng khác nhau như: Dạng nước, dạng bột, dạng ống, dạng lẫn đất và cả các loại không còn nhãn mác… Nhiều điểm ô nhiễm nặng hóa chất BVTV với hàm lượng vượt từ 123 - 365 lần so với quy chuẩn cho phép, tập trung chủ yếu tại các khu vực như: Khuôn viên trường Tiểu học Khánh Lộc (xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc); xóm 4, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang; Tiểu khu 4 và Tiểu khu 6, khu phố Hưng Thịnh, thị trấn Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh)…

 

Mục tiêu từ 2010 - 2015 phải xử lý được 240 điểm ô nhiễm nhưng đến nay, cả nước xử lý được 40 điểm”.Trịnh Duy Hưng - TTXVN


“Lượng hóa chất BVTV tồn lưu này khá lớn, làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng”, một đại diện Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết.


Không chỉ có Hà Tĩnh, theo ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Bộ TN&MT, cả nước hiện có trên 1.153 điểm ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố với 864 khu vực ô nhiễm, do hóa chất BVTV và 289 kho chứa chất BVTV tồn lưu. Trong số 289 kho bị ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu có 51 kho gây ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, 8 kho ô nhiễm và 230 kho chưa xác định được mức độ ô nhiễm. Các kho này lưu trữ khoảng 216 tấn, 37.000 lít hóa chất BVTV và 29 tấn bao bì thuốc BVTV tồn lưu. Hầu hết các hóa chất BVTV trong các kho lưu trữ đều là hóa chất độc hại bị cấm sử dụng; bao bì bị bục, không nhãn mác nên dư lượng hóa chất BVTV dễ bị rò rỉ, phát tán, gây ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu từ 2010 - 2015 phải xử lý được 240 điểm ô nhiễm nhưng đến nay, cả nước xử lý được 40 điểm”.


Điều đáng lo ngại là trong khi rất nhiều điểm ô nhiễm hóa chất BVTV chưa được xử lý thì các địa phương lại phát hiện, bổ sung mới 383 điểm bị ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV. Trong đó, Hà Tĩnh bổ sung 154 điểm, Quảng Bình 80 điểm, Quảng Trị 53 điểm, Hà Nội 6 điểm… Do đó, nhiều người dân đang phải từng ngày, từng giờ sống chung với ô nhiễm, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.


“Hiện nay, trên nền khu vực có tồn dư hóa chất BVTV có 251 khu vực xây nhà ở, 26 khu vực xây dựng trụ sở và 14 khu vực xây dựng hoặc cải tạo thành trường học, trường mầm non”, ông Hồ Kiên Trung nhấn mạnh.


Thiếu kinh phí và công nghệ


Theo đại diện Sở TN&MT Hà Tĩnh, từ năm 2011 - 2013, tỉnh Hà Tĩnh mới xử lý được 1 điểm ô nhiễm tại trường Tiểu học xã Khánh Lộc (huyện Can Lộc) bằng công nghệ hóa học kết hợp chôn lấp, còn 3 dự án khác đang hoàn thiện hồ sơ để triển khai xử lý ô nhiễm.


Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT là những đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, lựa chọn hướng dẫn các công nghệ thu gom xử lý các khu vực ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV. Tuy nhiên đến nay, ngoài công nghệ chôn lấp kết hợp xử lý hóa sinh, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể các công nghệ xử lý triệt để. Một số công nghệ như nghiền bi, thủy ngân, oxy hóa… vẫn chỉ ở các hội thảo mà chưa có kết luận lựa chọn.


Thực tế, việc xử lý các điểm tồn dư thuốc BVTV trên cả nước đang gặp nhiều khó khăn. Ông Hồ Kiên Trung cho biết: “Mục tiêu từ 2010 - 2015 phải xử lý được 240 điểm ô nhiễm nhưng đến nay, cả nước xử lý được 40 điểm; trong đó, 30/40 điểm mới đang trong quá trình xử lý”.


Đại diện Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường cũng cho biết thêm, dù kinh phí cho công tác xử lý đã tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tại nhiều địa phương, việc lựa chọn các công nghệ thu gom, xử lý ô nhiễm cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.


Hóa chất BVTV tồn lưu gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài đã ngấm sâu vào đất và có nơi còn ô nhiễm cả nguồn nước ngầm. Vì vậy, cùng với việc xử lý hóa chất BVTV tồn lưu và lượng đất ô nhiễm thì việc giải quyết nguồn nước sinh hoạt trước mắt cho nhân dân vùng ô nhiễm là rất bức thiết.

“Đề nghị lồng ghép các dự án cung cấp nước sạch ưu tiên bố trí cho khu dân cư các vùng có ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu để nhân dân được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh môi trường”, đại diện Sở TN&MT Hà Tĩnh kiến nghị.


Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN