Năm 2013 được xem là năm khó khăn nhất đối với ngành tài chính bởi lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước (NSNN) có thể không đạt dự toán. Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Trong hoàn cảnh cân đối thu chi ngân sách đang gặp khó khăn, có ý kiến cho rằng, ngành tài chính phải dồn lực để tăng thu. Bà có đồng tình với quan điểm này không?
Việc tăng thu cho ngân sách không chỉ phụ thuộc ngành tài chính, thuế mà còn phụ thuộc vào “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN). Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện có 65% DN kinh doanh chưa có lãi, số DN có lãi chỉ chiếm 35%, như vậy số thu NSNN sẽ khó khăn theo. Khi DN lỗ nhiều hơn lãi thì NSNN sẽ bị ảnh hưởng. Việc tăng thu, chống thất thu thuế là cần thiết nhưng không lên lạm thu mà cần có giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, điều này cũng dẫn đến giảm nguồn thu NSNN. Chính phủ có gói giải pháp gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), gia hạn nộp thuế thu nhập DN (TNDN) quý I và quý II/2013. Gia hạn tức là số thuế không mất đi nhưng số thu sẽ chậm lại. Ngoài ra, từ ngày 1/7, những DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng đã được áp dụng thuế suất TNDN 20% (giảm 5% so với trước).
Đối với DN đầu tư-kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% (giảm 15% so với trước) đối với phần thu nhập bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội phát sinh từ ngày 1/7/2013, không phụ thuộc vào thời điểm ký hợp đồng bán, cho thuê hoặc cho thuê mua nhà ở xã hội… Việc giảm thuế TNDN sẽ giúp DN thay vì nộp thuế sẽ để khoản tiền đó tái đầu tư, mở rộng kinh doanh và hy vọng DN sẽ sớm vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh.
Tôi rất mừng là tại buổi đối thoại giữa DN và Bộ Tài chính mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã đề xuất biện pháp cho DN khoanh nợ đối với các khoản thuế phải nộp phạt do có lý do khách quan. Từ năm 2014, khi Luật Thuế GTGT và TNDN chính thức được áp dụng toàn bộ, thì việc giảm thuế sẽ được áp dụng cho cả những DN lớn. Việc giảm thuế sẽ làm ngân sách thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng điều quan trọng là sẽ tạo lòng tin, khuyến khích để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó sẽ tạo nguồn thu thuế lâu dài và ổn định.
Bên cạnh đó, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (ước tính có khoảng 2 triệu người không phải kê khai nộp thuế cá nhân); từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc cũng khiến giảm thu nhưng về lâu dài thì sẽ giúp nuôi dưỡng nguồn thu. Vì khi giảm tiền đóng thuế thu nhập cá nhân, người dân sẽ để ra được một khoản dành cho chi tiêu, mua sắm hàng hóa, kích cầu tiêu dùng.
Thưa bà, bên cạnh việc nuôi dưỡng nguồn thu thì ngành tài chính cần có giải pháp gì để chống thất thu?
Ngành tài chính cũng phải tăng cường chống thất thu NSNN thông qua việc kiểm tra, thanh tra và kê khai đúng giá để tránh tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. Thời gian qua, Tổng cục Thuế và các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu là động thái tích cực. Bởi trong bối cảnh NSNN gặp nhiều khó khăn, mặc dù có những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, nhưng cũng có không ít đối tượng gian lận về thuế. Ví dụ, 1 xe máy bán ra là 70 triệu đồng thì DN chỉ kê khai bán là 40 triệu đồng, như vậy là đã trốn 10% thuế VAT với tiền là 30 triệu đồng. Thuế đầu ra thất thu, thuế nhập khẩu đầu vào cũng thất thu.
Nhiệm vụ của ngành thuế là giúp các DN chấp hành nghiêm túc việc nộp thuế, kê khai thuế nếu không tự giác thì sẽ phải thanh tra, xử lý nghiêm để ngăn ngừa tình trạng thất thoát nguồn thu. Làm tốt được điều này cũng sẽ góp phần giúp NSNN không bị hụt thu trong năm nay và hoàn thành dự toán.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Minh Phương - Thùy Dương (thực hiện)