Ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết: “Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người bệnh có thẻ BHYT; củng cố, hoàn thiện mạng lưới khám, chữa bệnh từ tỉnh đến tuyến cơ sở, nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia BHYT. Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có 20 cơ sở trực tiếp ký hợp đồng, 192 cơ sở gián tiếp ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh, huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn”.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thăm khám cho bệnh nhân. |
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Hòa Bình cũng có nhiều nỗ lực để tăng số người tham gia BHYT trên địa bàn như: Đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng đại lý thu BHYT xuống tuyến xã, phường, thị trấn để vận động người dân tham gia mua BHYT. Nhờ đó, tỷ lệ người tham gia BHYT ở tỉnh Hòa Bình đạt gần 90% dân số.
Để thực hiện việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, ngành y tế và bảo hiểm xã hội Hòa Bình đã thống nhất việc chuyển tuyến giữa các địa bàn giáp ranh trong tỉnh. Các cơ sở cũng thực hiện nhiều nội dung phù hợp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chống quá tải, nằm ghép; tổ chức bộ phận đón tiếp, giải đáp thông tin hướng dẫn người bệnh các thủ tục khám nhập viện hoặc chuyển tuyến sau khi khám chữa bệnh…
Nhằm chủ động trong sử dụng và quản lý nguồn quỹ bảo hiểm y tế, 9 bệnh viện đa khoa tuyến huyện ở Hòa Bình thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo phương thức khám định suất (việc thanh toán theo mức phí được xác định trước theo phạm vi dịch vụ cho một đầu thẻ BHYT đăng ký tại cơ sở cung ứng dịch vụ y tế trong một khoảng thời gian nhất định). Các cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng bố trí từ 2 - 3 giám định viên BHYT thường trực nhằm nâng cao chất lượng giám định chi phí khám chữa bệnh, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện và hướng dẫn trực tiếp người bệnh khi đến khám chữa bệnh bằng BHYT.
Nhận thức rõ hiệu quả của chính sách BHYT, người dân đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tăng, số lượt khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú bình quân của 1 thẻ bảo hiểm là 1,57 lần (năm 2015). Trong 4 năm (2012 - 2015), toàn tỉnh Hòa Bình đã khám chữa bệnh cho 3,6 triệu người với chi phí hơn 1.200 tỷ đồng.
Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện khám, chữa bệnh BHYT ở Hòa Bình vẫn còn một số khó khăn như: Các trạm y tế tuyến xã còn thiếu thốn về trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc khám, chữa bệnh; danh mục thuốc ít và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế còn ở mức nhất định, trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng lên. Một bộ phận đối tượng tham gia chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm, số lượng người tham gia BHYT tự nguyện.
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, các bệnh viện, trung tâm y tế cần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý công tác khám, chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; qua đó từng bước nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh của các trạm y tế, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhất là cung ứng đủ thuốc, đủ chủng loại cho bệnh nhân BHYT, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đẩy nhanh việc hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân.