Nín thở chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức

Tuần này, mọi con mắt đều đổ dồn về nước Đức, chờ đợi Tòa án Hiến pháp nước này ngày 12/9 đưa ra quyết định có "bật đèn xanh" cho Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) và Hiệp ước tài chính châu Âu (EFP) hay không. Phán quyết của tòa án Đức về hai công cụ chống khủng hoảng này được cho là có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến cứu đồng tiền chung châu Âu (euro).


 

Dân Đức tuần hành kêu gọi Tòa án Hiến pháp bác bỏ ESM tại Karlsruhe ngày 8/9. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

ESM là quỹ cứu trợ mới của Khu vực đồng euro (Eurozone), sẽ thay thế quỹ cứu trợ ngắn hạn mang tên Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) hết hiệu lực từ tháng 7 vừa qua và sẽ dựng lên "bức tường lửa" trị giá 700 tỷ euro (896 tỷ USD) để ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng trong Eurozone. ESM đã không thể đi vào hoạt động ngay sau khi EFSF hết hiệu lực, do chưa nhận được sự chấp thuận của Đức – nguồn cung cấp tài chính chủ chốt cho quỹ này.


Cuối tháng 6 vừa qua, Quốc hội Đức đã thông qua ESM và EFP với 2/3 số phiếu ủng hộ. Ngày 12/9, Tòa án Hiến pháp Đức sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đối với ESM và EFP. Nếu Tòa án bật đèn xanh cho hai công cụ này, ESM và EFP sau đó sẽ được Tổng thống Đức Joachim Gauck ký thành luật. Trong trường hợp này, mối lo về khủng hoảng nợ ở Eurozone sẽ được xoa dịu, các thị trường có thể thở phào. Song ngược lại, nếu ESM và EFP không nhận được sự ủng hộ của Tòa án Hiến pháp, đồng nghĩa với hai công cụ này bị chết yểu và thị trường tài chính toàn cầu sẽ rơi vào giai đoạn bất ổn mới.


Theo nhận định của giới chuyên môn, nhiều khả năng Tòa án Hiến pháp Đức sẽ bác đề xuất về phản đối ESM. Nhà phân tích Eckart Tuchtfeld thuộc ngân hàng Commerzbank cho rằng, “Tòa án sẽ không ngăn chặn ESM. Một phán quyết tiêu cực sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng với cuộc khủng hoảng nợ công nên tòa án chắc chắn sẽ cho chính phủ liên bang thêm thời gian để thay đổi và tìm kiếm giải pháp thay thế". Nhà kinh tế Holger Schimieding thuộc ngân hàng Berenberg dự đoán chỉ có 20% khả năng Tòa án Hiến pháp Đức không ủng hộ ESM.


Trong khi đó, đảng cực tả Die Linke ở Đức lại đang quyết liệt ngăn chặn ESM và EFP. Die Linke cho rằng hai công cụ này không phù hợp với Luật cơ bản của Đức vì chúng buộc Đức phải từ bỏ quyền tự quyết về ngân sách. Hơn nữa, nếu tham gia ESM, tài chính công của Đức sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.


Thêm nữa, 700 người Đức ngày 8/9 đã tuần hành tại thành phố Karlsruhe, nơi đóng trụ sở Tòa án Hiến pháp Đức, kêu gọi tòa án này bác bỏ ESM và thừa nhận ESM vi phạm quyền thông qua ngân sách của Quốc hội Đức.


* Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 9/9 đã kêu gọi tìm giải pháp để Hy Lạp không phải rời bỏ Eurozone trong mùa thu này.


Theo tờ tuần báo Der Spiegel, bà Merkel và các cố vấn lo ngại rằng việc Hy Lạp rời Eurozone sẽ tạo ra một hiệu ứng domino giống như những gì đã xảy ra sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ năm 2008. Hy Lạp tách khỏi Eurozone có thể khiến nước Đức tổn thất 62 tỷ euro kèm theo nhiều hậu quả về chính trị.


Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cuối tháng 8 vừa qua, bà Merkel đã nhấn mạnh rằng, Đức muốn Hy Lạp ở lại Eurozone và cam kết sẽ hỗ trợ nước này.


Bà Merkel đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh đoàn kiểm toán gồm các đại diện của bộ ba nhà tài trợ Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras để nghe báo cáo về kết quả cải cách và cắt giảm chi tiêu của Hy Lạp. Sau đó, ba tổ chức sẽ đưa ra quyết định có giải ngân gói cứu trợ trị giá 31,5 tỷ euro giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công vào mùa thu này hay không.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN