Chuyện trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm đối với người nông dân "xưa" như trái đất. Bình thường, làm giàu ở lĩnh vực này phải là người có thâm niên, chí ít cũng từ tuổi tứ tuần trở lên thì mới đủ thời gian tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng làm giàu. Nhưng quy luật này không đúng với những thanh niên giàu nghị lực Lý Văn Giàu, Nông Văn Lương.
Khai thác tiềm năng đất quê
Hai bàn tay trắng và tuổi đời chưa nhiều - thuộc thế hệ 8X, nhưng nhờ chịu khó học hỏi kiến thức khoa học và giàu nghị lực dám nghĩ dám làm, chàng thanh niên dân tộc Giáy Lý Văn Giàu sau khi xây dựng gia đình, xin tách hộ đã đăng ký với xã Bản Xen, huyện Mường Khương nhận 3 ha đất đồi để trồng chè. Bản Xen ít ruộng nước, nhưng bù lại là vùng đất thích hợp với trồng chè, là xã nằm trong vùng nguyên liệu của Nông trường chè Mường Khương nổi tiếng bấy lâu nay. Nhiều thế hệ nông dân đi trước đã no cơm, ấm áo nhờ cây chè.
Biết nhà Nhà nước có chính sách cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, năm 2006, Lý Văn Giàu mạnh dạn vay 20 triệu đồng. Anh dành phần nhiều vào việc kiến thiết cơ bản trồng chè, số còn lại anh mua trâu, lợn sinh sản. Để lấy ngắn nuôi dài, anh quyết dành 1/3 diện tích đất thâm canh chè, diện tích còn lại cải tạo trồng ngô giống mới lấy thức ăn chăn nuôi gia súc. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sau hơn 5 năm, từ một con trâu mẹ, anh đã có tất thảy 3 trâu con; trên 50 đầu lợn. Đến nay anh đã là chủ của trên 15.000 gốc chè đang cho thu hoạch.
Sau hơn 6 năm vượt khó bền bỉ, đến nay Lý Văn Giàu đã có mức thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng, trong đó thu hoạch từ chè và chăn nuôi trên 60 triệu đồng/năm; thu hoạch từ trồng ngô mỗi năm 7 - 8 tấn, tương đương 40 - 48 triệu đồng. Kết quả lao động miệt mài và nghị lực vượt khó của Lý Văn Giàu là bài học lập thân lập nghiệp đối với nhiều thanh niên địa phương.
Được biết Lý Văn Giàu đã học hết hệ phổ thông trung học, nhưng anh không chọn con đường vào đại học vì hoàn cảnh riêng của gia đình. Theo anh không nhất thiết vào đại học, nếu có chí làm giàu thì khai thác tiềm năng đất quê cũng có thể lập thân lập nghiệp.
Sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch
Sinh ra và lớn lên từ một gia đình nông dân và bản thân Nông Văn Lương cũng sớm phải tham gia làm nghề nông do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng bước ngoặt cuộc đời đối với chàng trai dân tộc Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa này có được khi huyện Sa Pa thực hiện dự án khuyến khích các cá nhân, tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia sản xuất đồ lưu niệm mang thương hiệu Sa Pa, Lào Cai để bán cho khách du lịch.
Thấy quê mình có tiềm năng về thêu dệt thổ cẩm, tháng 10/2006 anh quyết định xin phép chính quyền địa phương cho phép thực nghiệm đề án thành lập tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm, sau này thêm cơ sở chạm khắc đá thủ công mỹ nghệ - gắn liền với sản xuất nông lâm nghiệp khai thác tiềm năng dồi dào về đá của địa phương.
Khởi nghiệp chỉ với 10 triệu đồng, sau 5 năm, từ 2006 đến nay, HTX thổ cẩm và thủ công mỹ nghệ của chàng trai trẻ 25 tuổi đến nay đã nâng lên thành Công ty TNHH Tân Phát chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ với số vốn trên 3 tỷ đồng, thường xuyên có 20 lao động là đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số tại xã với thu nhập từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Các hoạt động chủ yếu hiện nay của đơn vị là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ gồm: 1 xưởng gia công đá nguyên liệu: 1 cơ sở chạm khắc, chế tác đá thủ công mỹ nghệ tại xã Tả Van và 5 cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Sa Pa. Đa số các thành viên trong HTX là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là con em các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi làm xa, trong đó có 2 lao động là người tàn tật với mức lương từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm thời vụ cho trên 10 lao động.
Sản phẩm của công ty do anh Nông Văn Lương làm giám đốc không chỉ góp phần thu hút khách du lịch đến với xã mà còn làm phong phú thêm mặt hàng lưu niệm đối với du khách tại Sa Pa. Giám đốc Nông Văn Lương cho biết, đến nay công ty đã kết nối được với các đối tác tại Hà Nội và Đà Nẵng để giới thiệu sản phẩm. Ngoài sản xuất và kinh doanh mặt hàng phục vụ du lịch, công ty còn đầu tư trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng gắn với trồng và chăm sóc cây thảo quả diện tích 10 ha mang lại doanh thu khá cao cho đơn vị. Công ty tham gia xây dựng dịch vụ du lịch tại thôn Tả Van Dáy 1.
Nhờ sản phẩm của công ty mà Tả Van ngày nay đã trở thành một điểm du lịch có uy tín đối với khách quốc tế và các công ty du lịch lữ hành. Tỷ lệ du khách đến Sa Pa xuống thăm khu du lịch sinh thái Tả Van luôn đạt trên 60%.
Lục Văn Toán