Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân và người nhà đứng chật kín khu khám bệnh và dọc các hành lang. Tại cửa các phòng khám, bệnh nhân nhi xếp hàng dài chờ đợi trong sự mệt mỏi.
Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải. |
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm này, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 3.000 bệnh nhi đến khám và điều trị, tăng gấp rưỡi trước đây. Phần lớn bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, với các biểu hiện rõ rệt là hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, có đờm, đau họng, viêm phế quản. Cùng với đó, các bệnh như chân tay miệng, ho gà, tiêu chảy cũng gia tăng.
Tại khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng cũng tương tự. Mỗi ngày khoa tiếp nhận khám và điều trị khoảng 200 bệnh nhi, chủ yếu là các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, ngoài ra cũng ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết, viêm màng não mủ… Đỉnh điểm có ngày các bác sĩ phải thăm khám và điều trị cho khoảng 350 bệnh nhi.
TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hiện tại, một số bệnh hô hấp có dấu hiệu tăng cao so với thời điểm trước giao mùa như viêm phổi, cúm RSV, bệnh nhân thường vào viện trong tình trạng bội nhiễm. Đặc biệt, năm nay số ca mắc ho gà có dấu hiệu tăng cao hơn mọi năm, từ đầu năm tới nay bệnh viện đã ghi nhận hơn 300 ca mắc bệnh ho gà. Riêng chân tay miệng từ đầu năm tới nay đã ghi nhận hơn 200 ca, tuy nhiên rất ít ca nặng; tuần vừa qua bệnh viện ghi nhận 11 ca mắc chân tay miệng, bình quân 2 - 3 ca bệnh nhập viện/ngày. Vì số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông, nên để tránh quá tải, bệnh viện phải tổ chức các buổi giải thích, tư vấn cho bệnh nhân về các bệnh như: Sốt xuất huyết, chân tay miệng… những trường hợp nhẹ, các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân điều trị tại tuyến dưới, hoặc theo dõi điều trị tại nhà.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân của tình trạng trên là do thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ không ổn đinh, lúc nóng, lúc lạnh, nên trẻ không kịp thích nghi, hơn nữa tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp, nên chỉ cần các bậc phụ huynh chủ quan là trẻ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, hô hấp. Thời tiết thay đổi cũng cũng là nguyên nhân khiến trẻ mắc các bệnh về rối loạn đường tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón…
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thời gian tới, số lượng trẻ em nhập viện có thể sẽ tiếp tục tăng do thời tiết liên tục thay đổi.
Để giữ sức khỏe tốt nhất cho trẻ và tránh các bệnh có thể gặp phải khi thời tiết giao mùa, theo TS Nguyễn Văn Lâm, cần phải cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các bệnh đã có vắcxin phòng ngừa. Bên cạnh đó, tích cực vệ sinh môi trường xung quanh, nhà ở phải thông thoáng, sạch sẽ. Chú ý giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, chăm sóc về dinh dưỡng hợp lý như cho trẻ ăn đủ chất, ăn nhiều hoa quả… để trẻ có sức đề kháng tốt. Nếu trong gia đình có người bị hắt hơi, sổ mũi, cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang…