Điều đáng nói, các bệnh nhân chấp nhận nằm ghép, chứ không chịu xuống điều trị ở tuyến dưới, vì lo sợ sự nguy hiểm của những căn bệnh này.
Bệnh nhi tăng đột biến
Tại bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, những ngày gần đây có tới 7.000 lượt bệnh nhi tới khám và điều trị mỗi ngày. Nhiều khoa của bệnh viện, ngay cả hành lang cũng không có chỗ để nằm.
Nhiều bệnh nhi của khoa Hô hấp bệnh viện Nhi đồng 1 phải đến hành lang của các khoa khác nằm ké. |
Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 1/10, hành lang của các khoa như: Hô hấp, tiêu hóa, SXH, khoa nhiễm… của bệnh viện Nhi đồng 1, đều chật cứng. Tại khoa SXH, chị Nguyễn Tú Linh (Tây Ninh) chia sẻ: “Bé nhà tôi bị SXH nằm ở đây 4 ngày rồi. Ở trong phòng đông quá mỗi giường bệnh có 2-3 người nằm, chưa kể người nhà nữa rất ngột ngạt. Hơn nữa, bé còn nhỏ, nằm chung với các bé lớn bị đạp phải, nên mẹ con tôi ra ngoài hành lang nằm cho thoải mái”. Còn tại khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 2, do phòng nhỏ nên mỗi phòng chỉ để khoảng 4 giường bệnh, tại đây bệnh nhi bị SXH, TCM cũng nằm tràn ra cả hành lang.
Ở hai bệnh viện này, căng thẳng nhất là khoa hô hấp, một giường bệnh có khi lên tới 4- 5 bệnh nhi, có phòng cả người nhà và bệnh nhi lên tới cả trăm người, phòng nhỏ ngột ngạt, hành lang của khoa cũng không còn chỗ để nằm, do đó nhiều phụ huynh đã phải đem con đến hành lang của các khoa khác nằm nhờ. Ngồi quạt cho đứa con nhỏ mới 4 tháng tuổi bị viêm phế quản, chị Hồ Thị Luyến (huyện Củ Chi) chia sẻ: “Bé nhập viện 3 ngày, thì 3 ngày phải nằm ngoài hành lang của khoa SXH. Bởi ở khoa Hô hấp vô cùng đông đúc, trong phòng thì 4 -5 bé nằm một giường còn hành lang thì chẳng còn chỗ để trải chiếu. đăng ký phòng dịch vụ cũng không có. Cũng may, hành lang của khoa SXH có người xuất viện nên có chỗ nằm. Nằm ở đây, tới trưa nắng phải bế bé đi vòng vòng chỗ khác để tránh nắng”.
Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2, vào cùng kỳ năm ngoái, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 5.000- 6.000 bệnh nhi đến khám và 1.800 bệnh nhi nằm điều trị nội trú. Thế nhưng những ngày gần đây, số bệnh nhi tới khám và điều trị tăng kỷ lục với hơn 7.000 trẻ/ngày, hiện bệnh viện có hơn 2.000 trẻ đang nằm điều trị nội trú, trong khi chỉ có khoảng 1.700 giường thực kê. Số bệnh nhi đến điều trị nội trú tăng cao, nên bệnh viện chỉ còn cách tăng thêm ghế bố cho bệnh nhi nằm ở ngoài hành lang. Tương tự, tại bệnh viện Nhi đồng 1, những ngày gần đây cũng có hơn 7.000 bệnh nhân đến khám/ngày và gần 2.000 bệnh nhi nằm điều trị nội trú.
Ký cam kết xin nằm ghép
Theo TS Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, những ngày qua, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho từ 200-300 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50-100 bệnh nhân mắc SXH. Do đang trong tình hình dịch SXH bùng phát mạnh, bệnh viện phải tiếp đón số bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông. Hiện bệnh viện có trên 400 bệnh nhân/220 giường bệnh, trong đó số bệnh nhân SXH đang điều trị tại bệnh viện gần 80 người. Khoa có số bệnh nhân SXH đông nhất là khoa Vi rút- Ký sinh trùng có 50 bệnh nhân SXH/87 bệnh nhân. Một số phòng bệnh đã diễn ra tình trạng quá tải phải nằm ghép 2, ghép 3 bệnh nhân tại giường.
Mặc dù bệnh viện đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hạn chế trình trạng quá tải như kê thêm giường, điều chuyển bệnh nhân giữa các khoa… nhưng với điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện, cũng không thể đủ đáp ứng cho người bệnh nếu cứ tiếp tục tăng như thời gian qua. Tuy nhiên, điều đáng nói là, dù đã được bệnh viện giải thích bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới, song rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng ký cam kết chịu cảnh nằm ghép để được điều trị tại đây, càng gây thêm khó khăn cho bệnh viện.
Trước tình trạng này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết: Cục sẽ chỉ đạo các bệnh viện trong cả nước thực hiện nghiêm công tác chuyển viện; chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị SXH gồm bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, căn cứ vào các nhiệm vụ tuyến cuối đã được Bộ Y tế giao tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công; tổng hợp các trường hợp tử vong, phân tích nguyên nhân tử vong, tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, Cục sẽ đề nghị Sở Y tế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đánh giá tình hình công tác điều trị SXH ở các bệnh viện để có những khuyến cáo và điều chỉnh hợp lý hạn chế tình trạng bệnh nhân vượt lên tuyến trên.