Dù các chuyên gia y tế đều khẳng định không có sự biến đổi về gen và các týp virút sởi, nhưng những đơn vị trực tiếp điều trị lại cho rằng, diễn biến của dịch sởi năm nay bất thường, số ca nặng tăng lên và tình trạng bệnh cũng trầm trọng hơn.
Độ nặng của bệnh tăng
Theo PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, chưa năm nào BV lại quá tải trầm trọng như năm nay. Hiện tại, số lượng bệnh nhân nội trú tại bệnh viện tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, chủ yếu là bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nặng, do bị biến chứng từ bệnh sởi. “Từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 1.000 ca mắc sởi biến chứng nặng phải nhập viện. Trong vòng một tháng trở lại đây, bệnh nhân nặng còn có xu hướng tăng lên. BV đã phải dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi, nhưng bệnh nhi vẫn phải ghép 3 - 4 cháu/giường, vì luôn có từ 200 - 250 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do sởi phải nằm viện. 120 chiếc máy thở tại BV cũng đã phải vận hành liên tục mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu”, PGS.TS Lê Thanh Hải khẳng định.
Điều trị cho bệnh nhi mắc sởi tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. |
Cũng theo PGS.TS Hải, nói dịch sởi năm nay diễn biến bất thường bởi diễn biến bệnh nhanh, nhiều ca biến chứng nặng gây viêm phổi, suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao. “Vì thế, chi phí điều trị cũng tăng lên đáng kể, nhiều ca lên tới 500 triệu đồng do phải sử dụng nhiều kỹ thuật cao. Thế nhưng vẫn có nhiều bệnh nhi không qua khỏi vì bệnh quá nặng. Trong 6 ca tử vong do sởi được xét nghiệm tại BV Nhi Trung ương, có những ca nhiễm nhiều loại virút, có ca nhiễm đến 3 loại virút khác nhau”, PGS.TS Lê Thanh Hải cho biết thêm.
Đây cũng là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, kể từ ca nghi mắc sởi đầu tiên nhập viện (ngày 25/1) đến nay, khoa Nhi, BV Bạch Mai đã tiếp nhận 83 ca mắc sởi rất nặng phải nhập viện điều trị. Ngay trong sáng 8/4, BV phải tiếp nhận thêm 3 trẻ biến chứng viêm phổi nhập viện, tăng số lượng trẻ biến chứng viêm phổi nặng phải theo dõi, điều trị tích cực tại khoa lên 15 cháu.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất việc cấp máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia cho BV Nhi Trung ương, BV Xanh Pôn; đồng thời cấp bổ sung kinh phí, trang thiết bị cho một số bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân sởi. Mặt khác, dự kiến vào tháng 8 - 9/2014, Dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắcxin sởi - rubella cho 23 triệu trẻ từ 1 - 14 tuổi trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long |
“Ngay từ đầu mùa dịch, chúng tôi đã phản ánh bệnh sởi năm nay diễn biến bất thường, viêm phổi diễn biến rất nhanh. Bình thường, bệnh nhân sốt, chảy nước mắt mũi vài ba ngày đầu, sau đó nổi ban từ mặt dần xuống chân, sau vài ngày ban bay, trẻ hết sốt. Nhưng năm nay, sởi gặp nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi và có nhiều khác biệt vì bệnh nhi vừa mới mọc ban, thậm chí chưa phân biệt được sởi thì đã biến chứng viêm phổi. Nghĩa là virút sởi tấn công trực tiếp vào phổi, gây biến chứng viêm phổi rất nhanh và nặng, nguy cơ tử vong cao”, PGS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.
Rõ ràng, không thể đơn giản nhìn vào việc týp sởi và gen của virút sởi không biến đổi để nói rằng dịch sởi không nghiêm trọng, bởi độ nặng của bệnh đã tăng lên trông thấy. Chưa thể kết luận có sự “chủ quan” trong việc phòng chống dịch sởi, dẫn tới việc các ca bệnh nặng ngày càng gia tăng, tuy nhiên, đã đến lúc các chuyên gia của ngành y tế cũng cần nhìn nhận đầy đủ hơn về diễn biến của dịch, để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dù các chuyên gia đều đưa ra dự báo trong 1 - 2 tháng tới, khi hoàn thành kế hoạch tiêm vét vắcxin và thời tiết nắng ấm lên, có thể kiểm soát dịch sởi; nhưng về lâu dài, đối với bệnh sởi, cách khống chế duy nhất là tổ chức tiêm vắcxin cho trẻ. “Trong tình hình hiện nay phải tổ chức tốt việc tiêm vét vắcxin cho trẻ, nếu không, dịch bệnh sẽ quay lại bất cứ lúc nào. Các địa phương cần quyết liệt thực hiện chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi và chú trọng công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng trên địa bàn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối với hệ điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu mục tiêu quan trọng nhất là giảm biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong do sởi. Đặc biệt, cần thực hiện tốt việc phân tuyến, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tránh tình trạng quá tải và lây lan bệnh dịch.
Số ca mắc giảm
Dù dịch sởi là vấn đề “nóng” trong vài tháng qua, nhưng phía cơ quan chức năng, mà cụ thể là các đơn vị thuộc Bộ Y tế, vẫn luôn khẳng định: Không có sự biến đổi về gen và các týp virút sởi, nghĩa là không có diễn biến bất thường.
Trong cuộc họp mới đây của Bộ Y tế (chiều ngày 8/4) tại Hà Nội, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng vẫn cho rằng, kết quả phân tích gen của virút sởi từ năm 2001 đến năm 2013 tại các tỉnh, thành phố cho thấy, virus sởi vẫn chủ yếu vẫn là kiểu gen H1 và D8; không có gì thay đổi và không có sự khác biệt so với các nước trong khu vực.
Đây cũng là quan điểm của GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định: “Đến nay, chưa phát hiện có sự biến đổi về gen và các týp virút sởi lưu hành tại Việt Nam, độc lực của chủng virút sởi cũng không hề thay đổi”.
Về số lượng ca mắc sởi năm nay, theo ông Trần Đắc Phu, vẫn thấp hơn vụ dịch năm 2009 - 2010. Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Tính từ tháng 11/2013 đến cuối tháng 3/2014, đã ghi nhận 3.380 ca mắc sởi, trong đó 25 ca tử vong. Còn từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 6.600 ca sốt phát ban nghi sởi, vẫn thấp hơn vụ dịch năm 2009 - 2010 (8.233 trường hợp mắc); trong đó khoảng 2.500 ca được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi”.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, trong 4 tuần gần đây (từ tuần 11 - 14), các ca mắc sởi còn có dấu hiệu giảm. Minh chứng cho điều này, đại diện Cục Y tế dự phòng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng đều khẳng định: Dịch sởi đang có dấu hiệu giảm hơn so với đầu năm 2014, đặc biệt sau khi các tỉnh, thành phố triển khai tiêm vét vắcxin sởi và triển khai các biện pháp phòng,chống. Dự kiến, bệnh dịch này sẽ được kiểm soát trong một vài tháng tới.
Bài và ảnh: Phương Liên