Trong tháng 3 - 4/2014, ngành y tế triển khai tiêm vét vắcxin sởi cho trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều. Vấn đề đặt ra là làm sao đảm bảo an toàn tiêm chủng, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, nơi phải tổ chức thêm nhiều điểm tiêm ngoài trạm y tế.
Sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị
Theo BS Đặng Văn Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang: Việc tổ chức tiêm chủng cố định tại trạm y tế ở Hà Giang gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện địa lý phức tạp, giao thông khó khăn, đồng bào vẫn giữ tập quán ở nương rẫy, nhận thức của nhân dân về tiêm chủng còn nhiều hạn chế… Bởi vậy, lâu nay, Hà Giang vẫn duy trì 480/687 điểm tiêm chủng ngoài trạm y tế.
Lãnh đạo Sở Y tế Tuyên Quang đi kiểm tra các điểm tiêm chủng trên địa bàn. |
Trong đợt tiêm vét vắcxin sởi này, Sở Y tế Hà Giang đã chỉ đạo tất cả trung tâm y tế (TTYT) huyện căn cứ điều kiện địa hình, số đối tượng cụ thể để xây dựng kế hoạch triển khai tại các điểm tiêm ngoài trạm. Ngoài các đoàn kiểm tra của Sở Y tế, TTYT các huyện cũng sẽ tổ chức giám sát và hỗ trợ chuyên môn cho các điểm tiêm chủng.
Thời điểm này, tỉnh Lai Châu cũng đang triển khai kế hoạch triển khai tiêm vét vắcxin sởi cho gần 2.800 trẻ từ 9 tháng đến dưới 2 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi (bao gồm cả đối tượng trẻ 9 tháng, 18 tháng trong diện tiêm chủng hàng tháng); trong đó, có khoảng 70% số trẻ ở các xã vùng sâu, vùng xa như Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên, Nậm Nhùn, Tam Đường.
“Đối với các xã, bản vùng sâu, vùng xa, TTYT huyện đều tăng cường 4 - 5 đội lưu động (3 - 4 người/đội) hỗ trợ cho các xã. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm, phòng ngừa các tai biến, kịp thời cấp cứu khi có sự cố xảy ra, ngành y tế Lai Châu đã chỉ đạo TTYT dự phòng tỉnh, TTYT các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc bố trí ít nhất 2 cán bộ đã được tập huấn về thực hành an toàn tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm. Kiểm tra chặt chẽ chất lượng vắcxin. Tổ chức khám sàng lọc trước khi tiêm chủng, chuẩn bị đầy đủ hộp thuốc chống sốc theo quy định. Tại các huyện còn thành lập các đội cấp cứu lưu động, tại trung tâm cụm xã, sẵn sàng cấp cứu khi có các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng”, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết.
Còn theo Thầy thuốc Nhân dân Đào Duy Quyết, Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang: “Kế hoạch tiêm vét vắcxin sởi cho gần 4.000 trẻ dưới 2 tuổi trên địa bàn sẽ được triển khai từ tháng 4 - 5/2014. Đến nay, toàn tỉnh có 141 điểm tiêm chủng đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Trước đó, Sở Y tế Tuyên Quang đã thực hiện kiểm tra từng điểm tiêm chủng, những điểm tiêm chủng không đạt yêu cầu theo quy định đều bị dừng hoạt động cho đến khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, để khắc phục những khó khăn về mặt địa lý cho các trẻ nhỏ tại các xã vùng sâu, vùng xa, các huyện đều bố trí thêm các bàn tiêm ngoài trạm y tế để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đưa trẻ đến tiêm chủng vắcxin sởi”.
Để phòng ngừa những tai biến có thể xảy ra sau tiêm vắcxin, Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang đã yêu cầu các điểm tiêm chủng bắt buộc phải hướng dẫn, yêu cầu các bậc cha mẹ cho trẻ ở lại tại trạm 30 phút để theo dõi, các trạm đều phải công khai số điện thoại thường trực để người dân có thể gọi khi có biến chứng tiêm chủng. Ngoài ra, các bệnh viện huyện phải bố trí một đội cấp cứu lưu động thường trực để xử trí cấp cứu khi có sự cố xảy ra.
Đẩy mạnh giám sát
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức sau khi “thị sát” việc triển khai kế hoạch tiêm vét vắcxin sởi tại một số địa phương (Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La), GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết: “Hiện nay tất cả các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch triển khai tiêm vét vắcxin sởi; trong đó, 44 địa phương triển khai trong tháng 3, 19 địa phương dự kiến triển khai trong tháng 4/2014. Tùy theo tình hình thực tế mà mỗi địa phương quyết định tổ chức số lượng các điểm tiêm ngoài trạm y tế. Việc đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng luôn là vấn đề được ưu tiên số 1 trong quá trình triển khai đợt tiêm vét vắcxin sởi lần này”.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, qua giám sát cho thấy, các điểm tiêm đều thực hiện nghiêm quy định tại mỗi bàn tiêm phải có ít nhất 2 cán bộ y tế được tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn An toàn tiêm chủng do Sở Y tế hoặc TTYT dự phòng cấp. Các quy trình vận chuyển, bảo quản vắcxin cũng được tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế. Tất cả các điểm tiêm đều có hộp chống shock đủ theo danh mục…
“Nhiều năm nay, ngành y tế vẫn duy trì việc tiêm chủng vắcxin ngoài trạm y tế; trong năm 2013, tính riêng 10 tỉnh miền núi khó khăn đã duy trì tới hơn 2.200 điểm tiêm ngoài trạm. Ngành y tế cũng thường xuyên tiến hành tập huấn cho cán bộ làm công tác tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, các sở y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện pasteur khu vực đều cử cán bộ đi giám sát tại các điểm tiêm. Do đó, các bà mẹ nói chung và các bà mẹ ở vùng sâu, vùng xa nói riêng hãy yên tâm về việc đảm bảo an toàn trong quá trình triển khai tiêm vét vắcxin sởi”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định.
Sau khi hoàn tất đợt tiêm vắcxin sởi này, dự kiến, số ca mắc sởi trên toàn quốc sẽ giảm. Song, để có thể khống chế và tiến tới loại trừ được dịch sởi, ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella cho tất cả trẻ em từ 1 - 14 tuổi vào quý IV/2014. Dự kiến, sẽ có khoảng 23 triệu trẻ trên toàn quốc sẽ được tiêm miễn phí trong chiến dịch tiêm chủng đặc biệt này.
Vũ Thành - Lê Hoàng