Ngày 10/2, Nội các Nhật Bản đã thông qua hiến chương mới về viện trợ nước ngoài, trong đó lần đầu tiên cho phép sử dụng viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này để hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài trong những chiến dịch phi chiến đấu như cứu trợ thảm họa, xây dựng cơ sở hạ tầng và các hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển.
Việc thông qua hiến chương viện trợ quân sự nước ngoài là một phần của chính sách nâng cao vai trò quốc tế và tăng cường an ninh quốc gia của ông Shinzo Abe. |
Trong lần sửa đổi đầu tiên kể từ năm 2003, hiến chương ODA, nay được đổi tên thành "Hiến chương Hợp tác Phát triển", nhấn mạnh Nhật Bản sẽ sử dụng viện trợ nước ngoài một cách hiệu quả và chiến lược hơn để đảm bảo "lợi ích quốc gia" - cụ thể là để duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của đất nước, tạo môi trường quốc tế ổn định, minh bạch cũng như duy trì và bảo vệ trật tự quốc tế trên cơ sở các giá trị phổ quát.
Đáng chú ý, các thay đổi trong hiến chương về viện trợ nước ngoài của Nhật Bản lần này có việc dỡ bỏ lệnh cấm hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài bằng ODA, phản ánh chính sách nâng cao vai trò quốc tế và tăng cường an ninh quốc gia mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thực hiện.
Bản hiến chương sửa đổi có đoạn: "Nếu quân đội hoặc các sĩ quan quân đội của nước nhận viện trợ tham gia sự hợp tác phát triển vì mục đích cải thiện đời sống người dân hay các hoạt động phi quân sự như cứu trợ thảm họa, Nhật Bản sẽ xem xét các chương trình theo từng trường hợp, trong khi tính đến tầm quan trọng của việc cấp ODA".
Giới chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản lưu ý đây là lần đầu tiên tài liệu này đề cập tới lợi ích quốc gia là một trong số các mục tiêu của việc cấp ODA.
TTXVN/Tin tức