Ngày 23/10, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành biên soạn một dự thảo hiến chương viện trợ nước ngoài, qua đó cho phép sử dụng Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này để hỗ trợ lực lượng quân sự nước ngoài trong các chiến dịch phi chiến đấu, bao gồm cứu trợ thiên tai và hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển. Ảnh minh họa. Thi công công trình trên tuyến đường Điện Biên Phủ từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN. |
Trong bản sửa đổi đầu tiên từ năm 2003, dự thảo Hiến chương ODA sẽ dỡ bỏ lệnh cấm hỗ trợ cho lực lượng quân sự nước ngoài bằng những ngân quỹ như vậy - động thái mà giới chỉ trích cảnh báo sẽ làm dấy lên quan ngại rằng khoản viện trợ này có thể được chuyển sang dùng cho các mục đích quân sự.
Dự thảo sửa đổi kêu gọi Nhật Bản “đóng góp cho hoà bình và thịnh vượng thông qua hợp tác phi quân sự”. Dự thảo nhấn mạnh đến việc thực hiện “một xã hội hoà bình và an ninh” và “cùng chung các giá trị phổ biến”. Ngoài ra, bản hiến chương mới này còn đề cập đến “việc đảm bảo các quy định của lập pháp”, ám chỉ các hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc.
Việc Nhật Bản thay đổi Hiến chương ODA được cho là nhằm xác lập quan điểm hợp tác với các nước như Việt Nam và Phillipines đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông.
Hiến chương mới sẽ được đổi tên thành “hiến chương hợp tác phát triển”. Việc sửa đổi Hiến chương ODA diễn ra trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe muốn thay đổi điều lệ phân bổ hơn 10 tỷ USD nguồn vốn ODA hàng năm để hỗ trợ các nước đang phát triển theo hướng chiến lược hơn và phản ánh đúng hoàn cảnh quốc tế đang thay đổi hiện nay.
TN (Theo Kyodo)