Ngày Xuân đọc câu đối hay

Câu đối dán hai bên bàn thờ tổ tiên ngày Tết là một phong tục giàu chất thơ và chất trí tuệ, một truyền thống văn hóa của ông cha ta. Nhân dịp xuân về, xin mời bạn đọc thưởng thức một số câu đối hay.

Câu đối ca ngợi Bác Hồ

Bác Hồ kính yêu của chúng ta là vĩ nhân của dân tộc, là Danh nhân văn hóa thế giới. Lúc sinh thời cũng như khi Bác đã đi xa, đã có nhiều câu đối ca ngợi Bác.

Năm 1960, mừng thọ Bác 70 tuổi, đã có nhiều người làm câu đối ca ngợi và mừng thọ Bác. Xin giới thiệu một đôi câu đối được coi là hay nhất còn lưu truyền:

Lo vì dân, nghĩ vì dân, vui khổ cũng vì dân, dốc chí thờ dân
Công Bác với dân thiên thu bất tận.
Bố gọi Bác, con gọi Bác, cháu chắt lại gọi Bác, nối dòng theo Bác
Lòng dân mong Bác vạn thọ vô cương.


Thật là một đôi câu đối tuyệt hay. Đối từng từ, từng ý, rất hàm súc và vô cùng sâu sắc, đã nói lên hết sức đầy đủ lòng Bác với dân và tình dân với Bác.

Ở liên khu 5 miền Trung nước ta lúc đó, có một thầy lang, để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ, đã viết một đôi câu đối treo hai bên bàn thờ như sau:

Cổ nguyệt chiếu sơn hà
Sĩ tâm quang nhật nguyệt.


Cái tài của tác giả đôi câu đối này đặc biệt ở chỗ chơi chữ rất nghệ thuật, kín đáo, sâu sắc.

Vế trên “Cổ nguyệt chiếu sơn hà”, theo chữ Hán thì chữ “cổ” và chữ “nguyệt” ghép lại thành chữ “Hồ”. Vế dưới “Sĩ tâm quang nhật nguyệt” thì chữ “sĩ” và chữ “tâm” ghép lại thành chữ “Chí”, chữ “nhật” và chữ “nguyệt” ghép lại thành chữ “Minh”. Thật là một đôi câu đối thờ Bác Hồ thật hay ngay trong lòng địch mà vẫn che mắt được địch. Có một tên cảnh sát ngụy quyền lúc đó đến hỏi ông thầy lang là câu đối gì, ông trả lời đó là câu đối về cảnh đẹp đất trời, sông núi và ông dịch nghĩa cho tên cảnh sát đó nghe như sau:

Vầng trăng cổ chiếu tỏ núi sông
Lòng kẻ sĩ sáng như nhật nguyệt


Tên cảnh sát không bắt bẻ vào đâu được và còn khen là hay!

Ở thành phố Bắc Ninh từ lâu đã có đền thờ Đức Thánh Trần. Năm 2000 khi tôn tạo lại đã làm thêm một gian thờ Bác Hồ. Lúc đó ông thủ từ có đến nhờ ông Nguyễn Đình Tự làm một đôi câu đối để thờ Bác. Câu đối đã được khắc và treo ở gian thờ đó. Nội dung như sau:

Chí khí anh hùng. Lịch sử vĩnh lưu danh Ái Quốc
Minh tinh lãnh tụ. Nhân dân đồng tác nghiệp Tất Thành.


Câu đối có ba tên của Bác. Ở đầu hai vế cũng là hai từ Chí - Minh là một tên của Bác Hồ. Cuối vế trên còn một tên nữa của Bác Hồ là Ái Quốc. Cuối vế dưới cũng có một tên nữa của Bác Hồ là Tất Thành.

Có thể dịch nghĩa:

Chí khí anh hùng. Lịch sử mãi lưu danh người yêu nước (Ái Quốc)
Minh tinh (ánh sao) lãnh tụ. Nhân dân cùng làm sự nghiệp ắt thành (Tất Thành)


Câu đối nổi tiếng của vua Lê Thánh Tông


Lê Thánh Tông là vị vua nổi tiếng thương dân, thông minh và có tài văn chương ở thế kỷ XV. Nhân dịp Tết Nguyên đán, vua cải trang bí mật đến các phố của kinh đô vào lúc sẩm tối để thăm viếng nhà dân, xem họ chuẩn bị Tết ra sao.

Vua vào nhà của một bà bán nước chè nghèo khó ven đường, không có câu đối dán ở cửa. Lúc hỏi ra, vua được biết, chồng bà làm phu khiêng kiệu. Vua bảo hộ giá đưa tiền cho bà để bà đi mua giấy đỏ, bút lông và mực. Sau đó vua Lê Thánh Tông viết một đôi câu đối tặng bà như sau:

Tam nhân đồng hành tất hữu ngã
Thiên lý nhi lai diệt lợi ngô.


Vế thứ nhất có nghĩa: Ba người cùng đi, tất nhiên trong bọn họ có tôi. Vế này tả người chồng khiêng kiệu cùng với người đồng hành của anh ta, tức người ngồi kiệu. Vế thứ hai có nghĩa: Những người từ ngàn năm tới, chắc chắn đều đó lợi cho tôi. Vế này chỉ người vợ bán nước chè cho khách qua đường.

Viết xong, vua đi thăm tiếp. Khi đến một nhà cũng nghèo khổ, vua vào nhà chẳng thấy có gì chuẩn bị cho ngày Tết. Hỏi ra, vua mới biết đây là nhà của người nhặt rác. Vua ban cho người chủ nhà nghèo khổ ấy một nén bạc và bảo ông tìm giấy mực để viết tặng câu đối. Rồi vua viết:

Đội nhất nhung y rởm thế gian chi nan sự
Trị tam nhất kiếm thu thiên hạ chi nhân tâm


Dịch nghĩa: Mặc chiếc áo bào tôi trông nom những việc khó trên đời
Cầm ba thước kiếm tôi thu vào tay tấm lòng của mọi người trên thế giới này.


Vế thứ nhất, ý nói người làm vua chịu trách nhiệm khó khăn cho thế gian.

Vế thứ hai, ý nói người nhặt rác làm việc cho mọi người bằng cái gậy dài, dọn tất cả những cặn bã trên đời.

Qua câu đối trên, ta thấy tấm lòng của vua Lê Thánh Tông không phân biệt đối xử giữa người làm nghề mà xã hội cũ cho là hèn hạ, thấp nhất trong xã hội cũng có những khó khăn như công việc của một vị làm vua trị quốc.

Sáng hôm sau, một đại thần đã đọc đôi câu đối trên và vào cung trình vua, xin trừng phạt kẻ can tội phạm thượng. Vua Lê Thánh Tông chỉ mỉm cười, không nói gì!


Câu đối của Cao Bá Quát

Lúc còn là Nho sinh, mỗi khi lên Thăng Long phải qua nhà Quan Đốc học, Cao Bá Quát có dừng lại để nghe bình văn. Có lần gặp câu bình dở, cậu phủi tay, nhăn mặt, lắc đầu. Quan Đốc thấy vậy nổi giận, gọi vào hỏi:

- Học ai mà dám kiêu căng vô lễ thế?

- Bẩm quan, học ông Trình, ông Chu ạ!

- À ra thế, hãy nghe đây. Nếu đối được vế này, ta tha tội, bằng không thì bị ăn đòn đấy:

Nhĩ tiểu sinh hà sứ đáo lai, cảm thuyết Trình Chu sự nghiệp?

(Mày là đứa tiểu sinh ở đâu tới, mà dám nói tới sự nghiệp Trình, Chu?)

Cao Bá Quát đối ngay:

Ngã quân tử kiến cơ như tác, dục vi Nghiêu Thuấn quân dân!

(Ta là bậc quân tử biết thời mà dấy, muốn cho vua và dân trở nên đời Nghiêu Thuấn!)

Quan Đốc tròn xoe mắt, nhìn Cao Bá Quát từ đầu đến chân, thầm nghĩ: “Rồi hắn sẽ làm những chuyện động trời khuấy nước cho mà xem!”.


Đối hay trở thành vợ vua

Hoàng tử Tư Thành trong một lần dạo chơi trên bờ sông Tống Sơn (Thanh Hóa), gặp một thôn nữ, ăn mặc giản dị nhưng với vẻ đẹp hiếm có đang vo gạo. Hoàng tử cảm xúc dạt dào nên đã đọc một vế đối:

Gạo trắng, nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả…


Cô gái cũng vào loại có học, nghe xong, cô gái cười đáp ngay:

Cát lầm, gió bụi, lo đời đâu đó hãy lo cho

Hoàng tử rất phục tài của cô gái, tuy là đối đấy, nhưng cũng là lời khuyên nhắn, nhắc nhủ Hoàng tử một sự mong muốn… gì đó. Cái hay là cả vế “ra” và vế “đối” tưởng như bỏ “lửng” nhưng đều có thể hiểu đã trọn nghĩa! Hoàng tử đã cưới cô về làm vợ. Cô tên là Nguyễn Thị Ngọc Hằng. Về sau Hoàng tử lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông. Cô gái đó trở thành Hoàng hậu. Vua Lê Hiến Tông sau này chính là con của bà!

Trọng Nghĩa (St)
Giữ gìn tiếng Việt
Giữ gìn tiếng Việt

Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, đa số các quốc gia đều sử dụng để giao thương, giao tiếp và quan hệ hữu nghị. Trong các môn học ở trường, tiếng Anh cũng khẳng định vị trí của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN