Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức lấy tên một số văn nghệ sỹ có nhiều cống hiến cho nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà như: Nghệ sỹ Thanh Nga, Út Trà Ôn, Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền, nhà thơ Xuân Quỳnh… để đặt tên cho một số tuyến đường trong thành phố. Điều này ngay lập tức nhận được sự quan tâm, đồng thuận của nhân dân cả nước nói chung, người hâm mộ văn học nghệ thuật nói riêng.
Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, cần thiết để tôn vinh những con người đã cống hiến tài năng cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp ở thời bình. Dù ở bộ môn nghệ thuật nào, họ cũng đã lao động nghệ thuật miệt mài, đóng góp, cổ vũ quần chúng nói chung, người mộ điệu nói riêng hăng hái tham gia các phong trào cách mạng.
Dù thời gian có qua đi, nhưng hình ảnh NS Thanh Nga vẫn sống mãi trong lòng công chúng qua vai diễn bất hủ Trưng Trắc oai phong lẫm liệt trong vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”; NSND Út Trà Ôn một thời được mệnh danh là Vua vọng cổ của cả nước, tiêu biểu và ghi đậm trong lòng công chúng là bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”; Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vốn được người nghe, người xem luôn ngưỡng mộ với những tình khúc lúc thật trữ tình, lãng mạn, nên thơ, lúc lại hừng hực đấu tranh đòi hòa bình, phản đối chiến tranh. NS Diệp Minh Tuyền với bài ca lúc thì hun đúc những đoàn quân xông pha ra trận với khí thế hừng hực, hiên ngang, lúc lại rất dịu êm trong tình yêu quê hương, đất nước, trong tình cảm lứa đôi…
Từ lâu, nhân dân cả nước đã biết đến nhiều con đường, công viên, quảng trường, nhà hát, trường học… mang tên những anh hùng liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng, danh nhân văn hóa, lịch sử, khoa học, kỹ thuật, những người có công lớn với quốc gia dân tộc… thì nay lại có thêm những con đường mang tên những văn nghệ sỹ cả đời tận tâm phục vụ công chúng trong thời chiến lẫn thời bình.
Một số nơi có cách tuyên truyền khá khoa học, hiệu quả bằng cách ghi tiểu sử tóm tắt người được đặt tên phía dưới tên chính để mọi người dễ nhớ, lâu quên.
Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương đặt tên đường nhưng không tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông cho nhân dân (và kể cả người dân đang cư ngụ tại những con đường ấy) về tiểu sử người được đặt tên đường, thành tích như thế nào, công sức đóng góp ra sao, quê quán ở đâu, xuất thân trong hoàn cảnh nào… khiến người dân khá bất ngờ, lạ lẫm.
Vấn đề đặt ra là còn bao nhiêu địa phương sẽ thực hiện cách làm từ thành phố mang tên Bác đáp ứng được lòng mong đợi của cả cộng đồng? Đó là một lẽ công bằng đáng được nhân rộng.
Triệu Mỹ Ngọc