Ngành y tế nỗ lực hướng tới người bệnh

Nhiều dịch bệnh đã bùng phát hoặc có nguy cơ bùng phát khiến người dân lo ngại, ngành y tế đang triển khai những biện pháp để nâng cao “hình ảnh” của đội ngũ áo trắng trong mắt người dân, đó là những nội dung mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên VTV1- THVN, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

 

Khống chế dịch bệnh


Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua dịch sởi đã bùng phát ở một số địa phương, đặc biệt là ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo Bộ trưởng, việc dịch sởi xảy ra có nguyên nhân là trạm y tế ở các tỉnh vùng cao khó khăn cách xa nơi ở của người dân, nên trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ. Còn tại các thành phố lớn, do người dân e ngại với thông tin về biến chứng của vắcxin 5 trong 1, nên nhiều bà mẹ cũng đã không mang con đi tiêm phòng.


Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo sở y tế các tỉnh tiêm chiến dịch và tiêm vét tất cả các trường hợp chưa được tiêm; tổ chức giao ban trực tuyến 63 tỉnh thành về phát động chiến dịch tiêm phòng sởi, đồng thời ra kế hoạch trong tháng 2/2014 phải tiêm phòng đủ cho 200.000 trẻ trên toàn quốc…


“Hiện nay, ở nước ta số mắc sởi đã giảm 800 lần so với năm 1984, do được tiêm phòng vắcxin sởi cho trẻ đầy đủ trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đặc biệt là Việt Nam đã sản xuất được vắcxin sởi. Dự kiến, Việt Nam sẽ thanh toán bệnh sởi vào năm 2017, hiện nay chúng ta đang ở trong giai đoạn khống chế”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.


Cũng theo Bộ trưởng, muốn phòng sởi phải tiêm đủ 2 mũi vắcxin sởi và tiêm đúng thời gian quy định. “Tuy nhiên, dù tiêm đầy đủ 2 mũi cũng chỉ phòng được 95%, còn 5% vẫn có thể mắc do hệ miễn dịch của trẻ dưới 9 tháng tuổi”, Bộ trưởng khẳng định.


Về dịch cúm A/H5N1, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ đầu năm đến nay có trường hợp tử vong ở phía Nam do cúm A/H5N1 và hiện nay có 20 tỉnh có dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm và thủy cầm. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, khống chế dịch cúm gia cầm bằng nhiều giải pháp. “Người dân nên tránh tiếp xúc và ăn gia cầm, thủy cầm bị chết; giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tăng cường sức đề kháng, không đi vào vùng có dịch, nhất là trẻ em và người mắc bệnh mãn tính và người già. Khi phát hiện có triệu chứng của bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế”, Bộ trưởng khuyến cáo.
Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng cho biết đã tăng cường tập huấn, chuẩn bị các cơ số thuốc, trang thiết bị, nhân lực để đối phó với dịch, giảm tỷ lệ tử vong. Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống, không để xảy ra dịch gia cầm và không để lây sang người.


40% cuộc gọi phàn nàn về thái độ của y, bác sĩ


Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đường dây nóng là giải pháp của ngành y tế để nắm bắt và giải quyết những bức xúc của người dân khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Sau 2 tháng đi vào hoạt động, đã có 50% cuộc gọi tới đường dây nóng đúng nội dung như: Phản ánh thái độ, chuyên môn, trách nhiệm và những tấm gương thầy thuốc tốt. Trong số đó gần 40% phàn nàn về thái độ như không hướng dẫn tỉ mỉ hoặc cáu gắt của nhân viên, y, bác sĩ... “Tất cả các trường hợp phản ánh đúng nội dung đã được các cấp y tế xử lý tạo niềm tin cho người dân khi đến khám chữa bệnh. Cũng đã có một số trường hợp nhân viên y tế bị kiểm điểm, buộc thôi việc”, Bộ trưởng cho biết.


Theo Bộ trưởng, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ mở tổng đài di động, để cùng một lúc có thể nhận được nhiều cuộc gọi đến từ mọi miền của đất nước.


Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN