Ngành thuế dồn lực chống thất thu, đảm bảo tiến độ thu

Tính đến ngày 31/7, tổng thu nội địa đạt 55% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, nhiều khả năng ngành thuế sẽ đảm bảo tiến độ mục tiêu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong năm nay. Thời gian qua ngành thuế đã có nhiều giải pháp chống thất thu hiệu quả. Ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Tổng dự toán giao cho ngành thuế năm nay là gần 970.000 tỷ đồng, một con số áp lực khá lớn đối với Tổng cục Thuế. Đến nay, công tác chống thất thu ngân sách đang được thực hiện ra sao, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, ông Nguyễn Đại Trí

Đúng là nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017 của ngành thuế được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao rất nặng nề. Tổng cục Thuế đã và đang chỉ đạo các cục thuế, chi cục thuế phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN.

Tính đến ngày 31/7, tổng thu nội địa đạt 55% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, theo tôi, nhiều khả năng đảm bảo tiến độ thu đề ra. Tuy nhiên để hoàn thành chỉ tiêu thu tăng thêm, bên cạnh việc triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra, ngành thuế cũng tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền các cấp để đảm bảo đôn đốc kịp thời các khoản thu vào NSNN.

Đặc biệt, năm nay với mục tiêu quyết tâm không bỏ sót các nguồn thu, ngành thuế đã tập trung quản lý việc khai thuế vào các đối tượng kinh doanh qua mạng; chống thất thu đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ. Đây là những lĩnh vực được cho là có rủi ro cao về thuế.

Tính đến nay, nhiều người kinh doanh qua mạng đã bắt đầu tự nguyện, tự giác đăng ký kê khai nộp thuế tại Cục Thuế TP.Hà Nội, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, thời gian tới tới sẽ triển khai ở các địa bàn khác trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, để chống thất thu, cơ quan thuế cũng tăng cường công tác quản lý nợ, thu hồi nợ thuế, đảm bảo thực hiện đúng quy trình quản lý, cưỡng chế nợ thuế. Đến nay, ngành thuế đã thu được 29.000 tỷ đồng nợ thuế, bằng 61% so với thời điểm 31/12/2016.

Không chỉ tập trung công tác quản lý thu, từ đầu năm đến nay, ngành thuế đã triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19, công tác hiện đại hóa theo Nghị quyết 36a của Chính phủ; triển khai các chương trình hỗ trợ để mang lại sự thuận tiện nhất cho người nộp thuế. Hiện, gần 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước đã áp dụng khai thuế qua mạng. Năm 2017, ngành thuế đã triển khai thêm một nhiệm vụ rất quan trọng đó là hoàn thuế điện tử. Đến hết tháng 7/2017, đã có gần 3.000 doanh nghiệp đã đăng ký hoàn thuế điện tử. Từ 1/8 ngành đã triển khai hoàn thuế điện tử mở rộng trên phạm vi toàn quốc, áp dụng chủ yếu đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư.

Ngành thuế cũng từng bước triển khai nộp thuế điện tử đối với thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất, lệ phí trước bạ ôtô, xe máy. Ngoài các giải pháp đó, toàn ngành cũng liên tục cải cách, rút ngắn các quy trình, thủ tục để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

Thưa ông, có tình trạng hiện nay là nhiều trường hợp bán hàng nhưng không xuất hóa đơn. Về phía người mua cũng nhiều trường hợp không lấy hóa đơn khi mua hàng, điều này khiến ngành thuế gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý nguồn thu?

Tôi cho rằng, đây là một vấn đề khó, phức tạp, nếu chỉ riêng ngành thuế sẽ không thể thực hiện được. Chúng tôi cũng rất mong nhận được sự đồng hành của các cơ quan chức năng có liên quan, đặc biệt là đối với người dân, người tiêu dùng trong cả nước khi thực hiện mua bán hàng hóa. 

Theo quy định, việc mua bán hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên thì người bán phải có nghĩa vụ xuất hóa đơn cho người mua. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Vì vậy, mong rằng mọi người dân hiểu và mỗi khi mua hàng hóa, yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn. Qua đó vừa là cơ sở để bảo vệ quyền của người mua hàng nếu có vấn đề gì xảy ra; đồng thời cũng là giúp ngành thuế chống thất thu NSNN.

Công tác quản lý nguồn thu, chống thất thu cũng được triển khai mạnh qua các các đợt thanh, kiểm tra, đến nay kết quả ra sao, thưa ông?

Trong công tác quản lý thu, một mặt phải quản lý chặt chẽ các nguồn thu, chúng tôi cũng quyết liệt triển khai việc thanh tra, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về thuế một cách thường xuyên, liên tục đối với các doanh nghiệp. Riêng trong 7 tháng đầu năm, ngành thuế đã thực hiện khoảng 49.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt khoảng 54% kế hoạch cả năm, tăng 25% so với cùng kỳ. Qua thanh tra, kiểm tra đã tăng thu ngân sách hơn 10.400 tỷ đồng.

Tổng cục thuế cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 135 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, qua đó đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 400 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.800 tỷ đồng, giảm khấu trừ 6,69 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 1.300 tỷ đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương-N.Minh/Báo Tin Tức
Đảm bảo hiệu quả thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội
Đảm bảo hiệu quả thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy trong giao dịch thương mại điện tử có đến 34% cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trên mạng xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN